Người dân Anh ngày 23/6 tổ chức trưng cầu dân ý về việc nước này có nên rời Liên minh châu Âu (EU) hay không. Kết quả công bố hôm sau cho thấy phe chọn rời EU chiến thắng với 51,9% số phiếu ủng hộ. Thủ tướng Anh David Cameron, lập trường ủng hộ EU, tuyên bố sẽ từ chức vào tháng 10.
Sự chia rẽ đang xuất hiện trong giới lãnh đạo châu Âu liên quan đến cách xử lý việc Anh chọn rời EU, tức Brexit. EU tổ chức họp thượng đỉnh tại Brussels trong hai ngày, bắt đầu từ 28/6.
Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz kêu gọi Anh "lập tức thực hiện" Brexit. "Chúng tôi kỳ vọng chính phủ Anh sẽ thực hiện ngay", ông nói với tờ Bild am Sonntag của Đức. "Cuộc họp thượng đỉnh là thời gian phù hợp để làm điều đó".
Thủ tướng Anh sẽ giải thích quan điểm của nước này trong bữa tối họp thượng đỉnh nhưng không ở lại tham gia thảo luận với lãnh đạo 27 quốc gia còn lại trong EU vào ngày 29/6.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker cảnh báo London không nên kéo dài thời gian. Đối thoại nên bắt đầu "ngay lập tức", ông nói.
Guardian dẫn một nguồn tin EU nói ông Juncker ngày 24/6 điện đàm với Thủ tướng Cameron, yêu cầu nhà lãnh đạo Anh nên lập tức kích hoạt điều 50, bắt đầu tiến trình đàm phán dài hai năm để London rời EU.
Thủ tướng Cameron, trong bài phát biểu tuyên bố từ chức, cho biết nhiệm vụ trên nên do người kế nhiệm ông thực hiện. Ông Juncker cho rằng "quyết định của người dân Anh đã rõ ràng và bước đi hợp lý là thực hiện ý nguyện đó sớm nhất có thể", theo nguồn tin.
Giới chức EU cho rằng khả năng bắt đầu đàm phán "ly dị" ngay lập tức là không cao. Các luật sư EU đều nhất trí rằng một nước thành viên không nên bị ép buộc phải thực hiện bước đi "nguy hiểm và không thể thay đổi" là kích hoạt điều 50, một nguồn tin EU nói.
London dự đoán phải chịu áp lực chính trị nặng nề khi bắt đầu đàm phán vào mùa thu và EU dường như sẽ từ chối mọi đề nghị đối thoại không chính thức trước khi tiến trình rời liên minh bắt đầu. Đây là lựa chọn mà phe ủng hộ rời EU, trong đó có cựu thị trưởng London Boris Johnson, mong đợi.
"Quá trình đàm phán về việc rời đi và quan hệ trong tương lai chỉ có thể bắt đầu sau thông báo chính thức", một nguồn tin EU khác cho biết.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk, người sẽ chủ trì họp thượng đỉnh, hôm nay gặp Tổng thống Pháp Francois Hollande. Ông Hollande tiếp đó tới Berlin gặp Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Italy Matteo Renzi.
Bà Merkel kêu gọi các bên bình tĩnh, thảo luận "đâu ra đấy", làm rõ rằng thời gian nên do Anh quyết định. Tuy nhiên, các nước châu Âu, lãnh đạo EU và chính chính phủ của bà lại thúc đẩy Anh sớm rời đi.
Peter Altmaier, chánh văn phòng Thủ tướng Đức, cho rằng giới chính trị gia Anh nên "dành thời gian xem xét lại những hậu quả từ quyết định Brexit". "Châu Âu nên bình tĩnh chờ nó diễn ra", ông nói.
Cựu thủ tướng Phần Lan Alexander Stubb cũng cho rằng EU không nên thúc giục Anh. "Đó sẽ là hàng loạt quá trình đàm phán cực kỳ phức tạp", ông Stubb nói.
Theo ông, sau cú sốc ban đầu, EU nên thoải mái và kiên nhẫn, thực hiện từng bước một, không nên nghĩ như trẻ con rằng phải trừng phạt Anh. Quan hệ giữa Anh và EU sau này có thể giống như Na Uy, vốn không phải thành viên nhưng có quan hệ kinh tế chặt chẽ với liên minh, ông dự đoán.
Ngoại trưởng 6 nước sáng lập EU, gồm Pháp, Đức, Bỉ, Luxembourg, Italy và Hà Lan, muốn Anh bắt đầu rời EU "sớm nhất có thể" đế tránh gây tổn hại về lâu dài cho liên minh, vốn đã bị suy yếu.
"Chúng ta không thể lay động như Boris Johnson mong muốn. Cần có sự rõ ràng về người dân, doanh nghiệp, thị trường tài chính", Volkskrant hôm qua dẫn lời Ngoại trưởng Hà Lan Bert Koenders nói. Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault cho rằng ông Cameron nên bị thay thế "trong vài ngày".
Phó thủ tướng Đức Sigmar Gabriel nói với tờ báo kinh tế Handelsblatt rằng EU không nên đưa ra đề nghị mới. "Anh đã quyết đi. Chúng tôi sẽ không đàm phán về việc EU có thể đưa ra đề nghị gì để Anh ở lại", ông cho biết, gọi quyết định tổ chức trưng cầu dân ý của Thủ tướng Cameron là "sai lầm lịch sử to lớn", kêu gọi ông sớm từ chức.
Đại diện cấp cao từ các nước thành viên EU nhóm họp tại Brussels hôm qua để chuẩn bị cho cuộc họp thượng đỉnh dài 24 giờ. Do Ủy viên Anh tại EU Jonathan Hill đã từ chức ngày 25/6 nên ông Juncker hôm nay chỉ gặp 27 đại diện.
London và Brussels, nơi đặt trụ sở EU, có nhiều xung đột về các ưu tiên. EU muốn tối thiểu gián đoạn kinh tế, để Anh rời đi êm thấm nhưng cũng lo ngại về hiệu ứng domino tại những quốc gia hoài nghi về châu Âu, khiến liên minh tan rã.
Trong khi đó, Anh sẽ tìm cách thu về những điều khoản có lợi nhất trước khi rời đi, điều khó hoàn thành chỉ trong hai năm đàm phán. Nhiều người dẫn đầu trong chiến dịch rời EU tuyên bố đàm phán không chính thức phải diễn ra trước khi kích hoạt điều 50.
Đức và Pháp được cho là đã soạn thảo tài liệu 10 trang liên quan đến ba lĩnh vực chính gồm an ninh, nhập cư và tị nạn, việc làm và tăng trưởng, để các thành viên cùng thảo luận. Các tập đoàn công nghiệp Đức và Pháp hôm qua tuyên bố Brexit khiến châu Âu rơi vào "hỗn loạn", kêu gọi có sự hợp tác kinh tế và chính trị mạnh mẽ hơn do Berlin và Paris dẫn đầu.
"Châu Âu phải đoàn kết, khôi phục lại niềm tin và ở thế tấn công", các lãnh đạo thuộc tập đoàn công nghiệp BDI, BDA của Đức và liên đoàn công nhân Medef, Pháp, cho biết trong lời kêu gọi chung gửi tới Journal du Dimanche.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry dự kiến đến Brussels và London trong hôm nay để đàm phán khẩn cấp, kêu gọi hai bên "tối thiểu hóa sự gián đoạn" bằng cách thảo luận quá trình "ly dị" một cách có trách nhiệm.
Như Tâm