Samsung, Hyundai Motor và 6 công ty khác bị cáo buộc đóng góp hàng triệu USD cho các quỹ liên quan đến Tổng thống Park Geun-hye để đổi lấy quyền lợi. Bà Park đang phải đối mặt với nguy cơ bị luận tội do scandal này. Những tuần gần đây, rất nhiều cuộc biểu tình lớn đã nổ ra, yêu cầu bà từ chức.
Các lãnh đạo doanh nghiệp trên được thẩm vấn bởi một hội đồng gồm các nhà làm luật từ nhiều đảng và không có quyền trừng phạt. Các công ty này đều đã quyên góp số tiền lớn cho các quỹ phi lợi nhuận của Choi Soon-sil - bạn thân bà Park Geun-hye. Bà Choi bị cáo buộc lừa đảo và thông đồng với bà Park, ép buộc các công ty quyên tiền cho quỹ của mình.
Các công tố viên cho rằng các công ty này đã quyên góp để đổi lấy lợi ích chính trị và đã đột nhập văn phòng của một số doanh nghiệp cũng như cơ quan chính phủ. Họ cũng cho rằng bà Park đóng vai trò "đáng kể" trong scandal này. Tuy nhiên, bà vẫn phủ định thông tin trên.
Các nhà làm luật dành nhiều thời gian nhất thẩm vấn ông Lee - người đang điều hành Samsung thay cha mình. Samsung đang bị kết tội quyên góp để đổi lấy việc được ủng hộ một thương vụ sáp nhập gây tranh cãi, nhằm củng cố vị trí của ông Lee trong công ty.
Tuy nhiên, cũng như các lãnh đạo doanh nghiệp khác, ông phủ nhận cáo buộc này. "Các lĩnh vực như văn hóa hay thể thao thường có những đề nghị như thế mà. Chúng tôi chưa bao giờ đóng góp để đổi lấy cái gì cả. Trường hợp này cũng vậy", ông cho biết trên Reuters.
Các công ty do gia đình nắm quyền tại Hàn Quốc (chaebol) đang ngày càng được coi là biểu tượng được hưởng đặc quyền và là đối tượng công kích của mọi người. Cuối tuần qua, hàng chục nghìn người đã biểu tình phản đối kêu gọi bà Park từ chức, đồng thời bày tỏ sự giận dữ với các chaebol.
Bà Park cũng nhiều lần xin lỗi công khai vì đã cho phép bà Choi tiếp cận các tài liệu của Chính phủ. Tuần trước, bà cho biết Quốc hội sẽ quyết định việc bà có phải rời nhiệm sở hay không.
Hà Thu (theo BBC)