- Bệnh viện hết cách ly, tâm trạng của ông như thế nào?
- Covid-19 và lệnh cách ly khiến hoạt động khám chữa bệnh giảm tối thiểu, mọi hoạt động đều khó khăn. Chúng tôi còn tiếp nhận điều trị cho trên 40 trường hợp rất nặng chuyển về, phải xoay xở trong hoàn cảnh khó khăn của lệnh phong tỏa để cứu sống người bệnh. Vì vậy chúng tôi rất vui mừng khi bệnh viện được dỡ phong tỏa.
Hiện Bệnh viện Bạch Mai đã sạch bóng Covid-19. Các nhân viên y tế có ít nhất 3 lần âm tính. Bản thân tôi cũng phải xét nghiệm tới 5 lần vì hay đi điều tra dịch tễ khi phát hiện các ca mới.
Tuy nhiên chúng tôi cũng cảm thấy rất lo lắng. Bộ Y tế đã xác định dịch lây nhiễm từ cộng đồng. Đứng về góc độ dịch tễ, tất cả những người đến với bệnh viện chúng tôi đều phải coi là F1 (người tiếp xúc gần với những người dương tính). Một số trường hợp chưa xác định được nguồn lây nhiễm, trong khi các phương pháp phát hiện có nhiều hạn chế. Một số người mang virus gây bệnh song không biểu hiện triệu chứng hoặc triệu chứng rất nhẹ, họ không biết mình đã mắc bệnh nên vẫn sinh hoạt cộng đồng bình thường. Mặc dù đã có yêu cầu giãn cách xã hội từ Thủ tướng, nhiều người dân vẫn chủ quan. Vì vậy bệnh viện phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm một lần nữa.
- Tại sao khi xuất hiện những ca nhiễm đầu tiên, bệnh viện vẫn cho bệnh nhân chuyến về tuyến dưới hoặc ra viện, về cộng đồng?
- Lúc đó chưa có khái niệm lây nhiễm trong cộng đồng. Người dân nghe ở nhiều nơi, cho rằng dịch bệnh chủ yếu lây ở Hà Nội nên họ bỏ về quê, trở thành làn sóng rời bỏ Hà Nội. Bệnh viện Bạch Mai cũng không nằm ngoài làn sóng đó. Từ khi chưa có lệnh phong tỏa, rất nhiều bệnh nhân đã bỏ ra viện mà chúng tôi không thể và không có quyền ngăn cản họ. Một số không thể về, phải ở lại trong viện để cách ly thì chửi bới y bác sĩ và bệnh viện. Nhân viên y tế của chúng tôi phải nghe hết. Nhưng thực sự Bạch Mai bị oan.
- Thiệt hại của Bạch Mai sau nửa tháng phong tỏa?
- Thiệt hại về vật chất có thể thống kê được song không quá lớn. Các bệnh nhân phải chịu thiệt nhiều nhất, mà nhân viên y tế vất vả hơn. Nhân viên y tế cách ly ở đây căng thẳng lắm, chúng tôi thống kê được ngay họ bị bệnh gì, đã phải dùng bao nhiêu thuốc, ai có bệnh đau dạ dày, ai phát sinh bệnh vì quá căng thẳng...
Dỡ phong tỏa rồi, một số nhân viên y tế chưa được về ngay. Chúng tôi đợi bệnh nhân và người nhà về hết, tổ chức đưa họ về địa phương, bàn giao cho Trung tâm kiểm soát bệnh tật hoặc y tế địa phương để giám sát y tế. Tôi cũng thế, khi các công tác ổn thỏa hết thì mới yên tâm về nhà.
- Bệnh viện chuẩn bị những biện pháp gì để đảm bảo an toàn, chống lây nhiễm, sau khi tái hoạt động?
- Chúng tôi hoãn việc khám ngoại trú tới đầu tháng 5 mặc dù đã có thể hoạt động bình thường, chờ hồi phục sau thời gian cách ly.
Sau khi hoạt động trở lại, chúng tôi đảm bảo an toàn về mặt dịch tễ của người đến khám ở mức cao nhất. Covid-19 lây lan rất mạnh, mà trong bệnh viện có nhiều người bệnh và tập trung đông người. Vì vậy đòi hỏi chúng tôi phải lập kế hoạch phân luồng, phân tuyến, sàng lọc về mặt nhiệt độ, dịch tễ, xét nghiệm để hạn chế thấp nhất nguy cơ lây nhiễm.
Công tác sàng lọc nhiều cấp độ, nhiều tầng lớp đã được lên phương án. Chúng tôi đặt mục tiêu phát hiện nhanh nhất, loại trừ càng nhiều càng tốt nguy cơ xuất hiện một trường hợp dương tính trong khuôn viên bệnh viện. Việc này khó, cần sự triển khai đồng bộ ở tất cả các khâu, tất cả các tuyến.
Bên cạnh đó, chúng tôi tăng cường chống nhiễm khuẩn, vệ sinh trong bệnh viện ở mức độ cao nhất và tập huấn cho các cán bộ y tế, tăng cường truyền thông đối với người bệnh và người nhà, với thông điệp "chống dịch là công việc của tất cả mọi người chứ không chỉ của riêng y tế".
Chúng tôi dự định lấy mẫu xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR để sàng lọc chính xác nhất.
Chúng tôi tin khi triển khai một cách đồng bộ, người bệnh và nhân viên y tế sẽ được làm việc trong một môi trường với hệ số an toàn cao nhất khi Bệnh viện Bạch Mai tái khởi động.
Chi Lê