- Sau thời gian bị phong tỏa do Covid-19, bệnh viện thay đổi như thế nào?
- Bệnh viện Bạch Mai bắt đầu hoạt động theo mô hình tự chủ từ đầu năm 2020. Vừa triển khai thực hiện thì gặp biến cố không ngờ, toàn bệnh viện phải cách ly từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 4 vì dịch Covid-19. Quá trình phong tỏa, chúng tôi có thời gian ngồi suy nghĩ về hướng đi sắp tới của bệnh viện, không bị cuốn theo công việc và sự quá tải thường ngày.
Hiện bệnh viện chưa trở lại 100% công suất nhưng chúng tôi quyết tâm thay đổi để phù hợp với yêu cầu tự chủ và tình hình mới. Mục tiêu hàng đầu là phục vụ người bệnh, các hoạt động khác phải xoay quanh mục tiêu này.
Chúng tôi đã có những thay đổi bề mặt như bệnh viện quang đãng, sạch sẽ hơn, bớt người đi lại, chỉ duy trì một bãi đỗ xe máy, cấm xe máy chạy tự do trong khuôn viên bệnh viện.
Trước kia việc đi lại trong bệnh viện rất lộn xộn, khiến xe cấp cứu bị chậm, nguy hiểm tính mạng bệnh nhân. Giờ số lượng xe ra vào bệnh viện được kiểm soát, ưu tiên cho cấp cứu và bệnh nhân nặng.
Bệnh viện nào cũng có người tử vong, phải có nhà xác, nhà đại thể, khoa giải phẫu bệnh. Tuy nhiên việc tổ chức tang lễ, kèn trống theo truyền thống ảnh hưởng tâm lý của người đang điều trị. Vì vậy chúng tôi thay đổi mô hình, ký hợp đồng với các đơn vị chuyên tổ chức tang lễ của thành phố, chuyên nghiệp hơn. Nhà tang lễ bệnh viện sẽ không kèn trống nữa.
Chúng tôi cũng ưu tiên tuyệt đối cho chăm sóc và điều trị người bệnh như kiểm soát nhiễm khuẩn, sử dụng kháng sinh dự phòng... Những động thái này không thay đổi ở bề nổi, nhưng sẽ thay đổi về gốc rễ trong điều trị tại Bạch Mai.
- Bệnh viện làm gì để nâng cao chất lượng chăm sóc người bệnh?
- Tôi chỉ lấy ví dụ về việc thăm và nuôi người bệnh. Vì bệnh tật, rất nhiều hoạt động bệnh nhân không tự làm được, cần người nhà chăm sóc. Nhưng có những chăm sóc chuyên môn, người nhà không thể thực hiện, ví dụ bệnh nhân thở máy. Hoặc bệnh nhân cao tuổi bị liệt nửa người, người nhà chăm sóc được một thời gian sau đó mệt mỏi, vậy ai sẽ thay thế?
Nhiều cơ sở y tế, không chỉ riêng Bạch Mai, có đội ngũ chăm người bệnh thuê, hoạt động dựa trên thỏa thuận giữa gia đình bệnh nhân và người nhận dịch vụ. Song, rất khó kiểm soát chất lượng, giá cả. Có những gia đình bị bên cung cấp dịch vụ bòn rút nhiều tiền hoặc nâng giá cao.
Vấn đề đặt ra là kiểm soát chất lượng thế nào? Bệnh viện Bạch Mai không thể không kiểm soát. Tới đây chúng tôi sẽ đưa ra mô hình chăm sóc toàn diện cho bệnh nhân, trong đó có người trợ giúp chăm sóc, đào tạo cho gia đình bệnh nhân có nhu cầu.
- Việc bệnh viện quá tải, thiếu giường nằm cho bệnh nhân sẽ xử lý thế nào?
- Bạch Mai là tuyến cuối nên không thể tránh được bệnh nhân cấp cứu và từ tuyến dưới chuyển lên. Chúng tôi không chủ động được số lượng bệnh nhân, xảy ra tình trạng nằm ghép. Vì vậy sẽ có mô hình để hạn chế nằm ghép, ví dụ cho bệnh nhân nằm tạm trên cáng 24 tiếng, sau đó xếp giường bệnh hoặc chuyển về tuyến dưới. Trong vòng 24 giờ, bệnh nhân cấp cứu phải có được giường nằm.
Bệnh nhân thực sự cần nằm viện mới được tiếp nhận điều trị nội trú. Chúng tôi sẽ hội chẩn với hội đồng khoa học, để xem trường hợp này có cần điều trị nội trú không.
Chúng tôi cũng sẽ mở các mô hình khác được bảo hiểm chi trả để giải quyết nhu cầu khám chữa bệnh trong ngày. Có rất nhiều bệnh nhân chỉ cần truyền hóa chất xong về, không có lý do gì nội trú. Chúng tôi quy định, khoa phòng nào để bệnh nhân nằm ghép thì không được thu tiền theo yêu cầu.
Tuy nhiên, hiện Bạch Mai chưa hẳn đã hết nằm ghép, vì mới hoạt động trở lại và hậu cách ly, chưa phục vụ được như khi chưa có dịch. Chúng tôi đang tiếp tục kiểm soát và giảm nằm ghép.
- Làm thế nào để giải quyết tình trạng nhiều giá giường cho bệnh nhân?
- Dịch vụ "giường theo yêu cầu" đã có từ nhiều năm nay, khi xảy ra sự khác biệt về cơ sở vật chất giữa giường bệnh kế hoạch và giường theo yêu cầu. Giường theo yêu cầu sinh ra dựa trên cơ sở nhu cầu người bệnh mong muốn điều kiện nằm viện tốt hơn, tránh nằm ghép. Hiện tỷ lệ giường theo yêu cầu dưới 30%, sắp tới chỉ còn 20-25%, sau đó chấm dứt dịch vụ này để tập trung cung cấp dịch vụ tốt nhất.
- Người bệnh còn phải chi trả không ít cho những dịch vụ nhỏ như vận chuyển, vệ sinh công cộng, ông nghĩ sao?
- Bệnh viện mong cung cấp dịch vụ thỏa mãn yêu cầu của người bệnh, nhưng thực tế không thể ôm hết các dịch vụ mà phải đấu thầu để đơn vị khác đảm nhận. Tiêu cực xảy ra khi người nhà tự thỏa thuận với các đơn vị dịch vụ, đôi khi vụ việc không xảy ra trong khuôn viên bệnh viện.
Tôi rất lo lắng những chuyện như vậy, mệt mỏi vì bệnh viện sẽ phải chịu liên đới trách nhiệm khi có biến cố. Bệnh nhân là người thiệt thòi. Sắp tới chúng tôi triển khai các phương án giải quyết những tiêu cực bòn rút tiền của người bệnh. Bệnh nhân không phải là con gà béo để bóc lột.
Ví dụ với dịch vụ vận chuyển, chúng tôi rút phép nếu đơn vị dịch vụ sai phạm lần thứ ba. Bạch Mai chủ trương không để xảy ra tranh giành khách trong vận chuyển. Bệnh viện cũng sẽ chịu trách nhiệm nếu nhân viên tự ý mời chào, vòi vĩnh bệnh nhân.
Mô hình hoạt động tự chủ tại bệnh viện đặt ra vấn đề cân đối nguồn thu với chất lượng dịch vụ. Tuy nhiên, không được quên bệnh viện không phải là cơ sở kinh doanh. Nghề y không phải là nghề kiếm tiền. Lời lãi không phải là tiêu chí quyết định trong hoạt động của bệnh viện. Tính an sinh xã hội đặt lên trên hết.
Chúng tôi sẽ có nguồn thu chính đáng và hợp pháp thông qua chất lượng điều trị, tổ chức bộ máy đơn giản hiệu quả, áp dụng công nghệ thông tin vào quản lý, giảm bộ phận trung gian và sắp xếp đúng người đúng việc.
Chi Lê