![]() |
Lãnh đạo các nước ASEAN chụp ảnh kỷ niệm sau khi thông qua hiến chương. Ảnh: AFP. |
Trước đó, bộ trưởng ngoại giao 10 nước thành viên ASEAN đã thông qua bản hiến chương trên. Một trong những nội dung quan trọng của văn bản này là lập ra một tổ chức phụ trách vấn đề nhân quyền của khu vực, nhưng không nhắc đến quyền lực của cơ quan này.
Hiến chương ASEAN kêu gọi thành lập một cộng đồng chung của khối, chịu trách nhiệm về các lĩnh vực chính trị, an ninh, kinh tế và văn hóa xã hội.
Văn bản mang tính bước ngoặt trong sự phát triển của ASEAN này định ra bộ nguyên tắc chung về đàm phán thương mại, đầu tư, môi trường và các lĩnh vực khác. Hiến chương có mục tiêu biến khu vực Đông Nam Á thành một thị trường thống nhất với sự lưu thông tự do của hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và vốn.
Cựu ngoại trưởng Indonesia Ali Alatas, người tham gia soạn dự thảo hiến chương ASEAN, đánh giá đây là "một bước tiến trọng yếu". Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cũng khẳng định hiến chương ASEAN sẽ dọn đường cho các mối quan hệ gần gũi hơn giữa các nước trong khối.
Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) gồm 10 nước thành viên là Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Hiến chương ASEAN mất 2 năm rưỡi để soạn thảo và cần thêm một năm nữa để các nước thành viên thông qua.
Đình Chính (theo AP, BBC)