Lãnh đạo và ngoại trưởng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sẽ họp tại trụ sở của tổ chức ở Jakarta, Indonesia. Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đã đến Jakarta hôm qua để chuẩn bị dự sự kiện.
An ninh được thắt chặt quanh trụ sở ASEAN và sự kiện cũng không mở cửa cho báo chí, theo AFP.
Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha và Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte không dự hội nghị. Bộ Ngoại giao Thái Lan cho biết ông Prayuth cần tập trung đối phó dịch Covid-19 trong nước, trong khi phía Philippines không công bố lý do. Thái Lan cử Phó thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Don Pramudwinai đại diện, trong khi Philippines cử các quan chức Bộ Ngoại giao đến dự.
Hội nghị đánh dấu lần đầu tiên thống tướng Min Aung Hlaing tham dự một sự kiện chính thức ở nước ngoài kể từ khi quân đội do ông chỉ huy bắt cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi và nhiều lãnh đạo chính quyền dân sự và lên nắm quyền hồi tháng 2. Các nhà phân tích không kỳ vọng thay đổi lớn khi ASEAN họp với lãnh đạo quân đội Myanmar, nhưng xem đây là bước đi cần thiết đầu tiên cho đối thoại.
"Cho đến nay, vẫn chưa có cuộc đối thoại chính thức nào giữa lãnh đạo chính quyền quân sự Myanmar với cộng đồng quốc tế. Có thể nói, cuộc họp thượng đỉnh đặc biệt của ASEAN chính là cơ hội đầu tiên để hai bên dò thái độ qua lại và xem xét đối phương có khả năng chấp nhận nhượng độ đến đâu", Tiến sĩ Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM, nói với VnExpress.
"Chúng ta phải thực tế ở đây. Tôi không nghĩ hội nghị thượng đỉnh lần này sẽ đưa ra kế hoạch đầy đủ về cách đưa Myanmar thoát khỏi xung đột. Nhưng đúng hơn, tôi nghĩ sự kiện này sẽ khởi động đối thoại và đặt tiền đề cho một giải pháp", Mustafa Izzuddin, nhà phân tích các vấn đề quốc tế tại công ty tham vấn chính sách Solaris Strategies Singapore, nhận định.
Đặc phái viên của Liên Hợp Quốc về Myanmar Christine Schraner Burgener dự kiến có mặt bên lề hội nghị thượng đỉnh.
"ASEAN muốn tiếp cận Myanmar để có thể tạo ra và bảo vệ hòa bình ở Đông Nam Á. Mục tiêu thứ hai là tìm ra giải pháp lâu dài thông qua trao đổi mang tính xây dựng", Beginda Pakpahan, chuyên gia quan hệ quốc tế tại Đại học Indonesia, cho hay.
Khủng hoảng Myanmar cũng đặt ra thách thức lớn đối với tương lai và cách tiếp cận dựa trên sự đồng thuận của khối.
"Hội nghị thượng đỉnh này thực sự là phép thử về uy tín của ASEAN không chỉ trong khu vực mà cả bên ngoài khu vực. Quốc tế đang dõi theo để xem liệu cách tiếp cận khu vực mà ASEAN thực hiện để tìm ra giải pháp ở Myanmar có hiệu quả hay không", Izzuddin nói.
Các ngoại trưởng ASEAN tháng trước họp trực tuyến về tình hình Myanmar, kêu gọi quân đội nước này ngừng sử dụng bạo lực và tôn trọng ý chí của người dân. Tuy nhiên, tình trạng bạo lực và đổ máu vẫn tiếp tục xảy ra ở nước này, khi các cuộc biểu tình chống đảo chính diễn ra gần như hàng ngày.
Theo một nhóm quan sát địa phương, kể từ khi nổ ra các cuộc biểu tình chống đảo chính ở Myanmar, ít nhất 739 người đã thiệt mạng và khoảng 3.100 người bị bắt. Cơ quan nhân quyền Liên Hợp Quốc cảnh báo Myanmar có thể đang tiến gần một cuộc xung đột toàn diện kiểu Syria.
Huyền Lê