"Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh việc cải thiện quan hệ Trung - Ấn phục vụ lợi ích chung của cả hai nước và người dân. Hai bên nên lưu ý tới lợi ích chung trong quan hệ song phương và xử lý đúng đắn vấn đề biên giới để cùng nhau bảo vệ hòa bình", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 25/8 nói về cuộc trao đổi giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.
Hai lãnh đạo gặp nhau hôm 24/8 khi dự hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Nam Phi. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết ông Tập và ông Modi đã "trao đổi quan điểm thẳng thắn và sâu sắc" trong cuộc thảo luận nhằm hạ nhiệt căng thẳng liên quan đến tranh chấp biên giới.
Đây là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa ông Modi và ông Tập sau cuộc tiếp xúc ngắn bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali, Indonesia hồi tháng 11/2022.
Ngoại trưởng Ấn Độ Vinay Kwatra cũng cho biết trong cuộc gặp, Thủ tướng Modi đã đề cập các vấn đề chưa được giải quyết dọc theo Đường Kiểm soát Thực tế (LAC), đường phân định tại khu vực tranh chấp giữa Ấn Độ và Trung Quốc.
"Thủ tướng Modi nhấn mạnh rằng việc tuân thủ và tôn trọng LAC là điều cần thiết để bình thường hóa quan hệ Ấn Độ - Trung Quốc", ông Kwatra nói.
Ấn Độ và Trung Quốc từng nổ ra chiến tranh biên giới năm 1962, nhưng những thỏa thuận được hai bên đàm phán trong 25 năm sau đó đã giúp hạ nhiệt căng thẳng, tạo điều kiện cho hai bên thúc đẩy hợp tác trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế, thương mại.
Sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình lên nắm quyền, quan hệ Ấn - Trung được cho là bước vào giai đoạn nồng ấm. Tuy nhiên, căng thẳng biên giới tiếp tục leo thang với các cuộc đối đầu giữa biên phòng hai nước trong những năm sau đó.
Tháng 6/2020, quân đội Ấn Độ và Trung Quốc đụng độ ở Thung lũng Galwan, một khu vực hẻo lánh và hiểm trở dọc biên giới tranh chấp giữa hai nước trên dãy Himalaya.
Cuộc đụng độ làm 20 lính biên phòng Ấn Độ và ít nhất 4 lính Trung Quốc thiệt mạng, khiến quan hệ giữa hai quốc gia láng giềng đông dân nhất thế giới lao dốc. Quân đội hai bên sau đó đã tổ chức 19 vòng đàm phán để ngăn đụng độ, nhưng chưa tìm được tiếng nói chung để giải quyết tranh chấp ở khu vực biên giới.
Ngọc Ánh (Theo AFP)