Chiều nắng gắt, sóng gió Trường Sa mặn chát hơn ngày thường. Mấy anh lính đảo nói chủ tịch Thiện đang đi thông báo dân rời khỏi nhà vì chiều nay thao trường bắn đạn thật.
Tìm đỏ cả mắt, chỉ đến khi thao trường im tiếng súng, mới thấy Thiện xuất hiện bên chiếc bàn con dưới tán cây bàng mồ hôi nhễ nhại. Nụ cười mặn mòi nước biển, cái bắt tay siết chặt thân tình của vị chủ tịch thị trấn khiến chủ và khách thấy ấm lòng.
Thiện nói, anh nhận nhiệm vụ chưa lâu, trước đây anh công tác tại tỉnh đoàn Khánh Hoà. Việc ra đảo là do anh quyết tâm tìm nơi lập nghiệp, thử thách mình trên con đường lập thân lâu dài.
Chủ tịch thị trấn Trường Sa Nguyễn Quốc Thiện. |
Theo lời vị chủ tịch sinh năm 1980, mục tiêu ban đầu của lãnh đạo trẻ thị trấn Trường Sa là gắn trách nhiệm cá nhân với sự phát triển kinh tế của địa phương, đặt ra phương hướng làm sao để đời sống nhân dân trên đảo ổn định, no ấm.
Để nhận nhiệm vụ ở nơi quanh năm chỉ có gió biển và mây trời, Thiện cho biết, ban đầu cũng có nhiều ngăn cản lắm. Người nhà quyết liệt phản đối, tại sao đang có một công việc ổn định tại đất liền thì tự nhiên theo tàu ra sống nơi vùng đất "khỉ ho cò gáy". Cảnh vợ trẻ xa chồng cũng ảnh hưởng đến quyết định ra đi của chàng trai trẻ.
Ngày Thiện lên tàu, vợ chồng anh mới cưới nhau đúng 10 ngày.
"Nhìn thấy chồng bước xuống tàu cô ấy khóc dữ lắm, nếu thuận lợi thì hai năm sau mới được về thăm gia đình, thăm vợ", Thiện chia sẻ.
Khi được hỏi có tin vui chưa, Thiện thật lòng: "Mới cưới nhau mấy ngày nên khi đi vẫn chưa biết cô ấy có bầu hay chưa".
Tại xã đảo Sinh Tồn, 4 cán bộ đều thuộc thế hệ "8X". Sinh năm 1984, Cao Văn Giáp là phó chủ tịch UBND xã. Trong trang phục thanh niên tình nguyện, trông Giáp càng trẻ trung.
Phó chủ tịch xã Sinh Tồn bên trụ sở ủy ban đang xây dựng. |
Hôm có đoàn công tác đến, Giáp chưa ra tiếp được bởi đang phải giám sát và chỉ đạo anh em hoàn thiện nốt phần còn lại trụ sở hai tầng của UBND xã. Làn da rám nắng với ánh mắt hiền từ, chàng trai trẻ Cao Văn Giáp trước đây cũng là một cán bộ đoàn năng nổ. Chưa vợ con, câu chuyện tình riêng được anh gác lại để chuẩn bị cho một thời kỳ thử thách mới, đầy thú vị.
Giáp nói, khi mới ra đảo còn gặp nhiều bỡ ngỡ và khó khăn lắm, còn bây giờ thì quen rồi. Trong nhiệm vụ được giao, điều mà Giáp thấy khó khăn nhất là "mình tuổi ít nhưng lãnh đạo nhân dân đều là người lớn tuổi". Đôi khi trong công việc, chỉ xưng hô "cô, chú" cho tình cảm.
"Mình sống xa nhà, ra đây lãnh đạo và người dân đều xem nhau như anh em, sống tình cảm lắm và như vậy công việc mới xuôi hơn", Giáp chia sẻ.
Ngay trước cổng vào, chủ tịch xã đảo Sinh Tồn Kim Thanh Hoa bị quây kín bởi đoàn khách ra thăm Trường Sa. Cầm tinh con trâu (1985), sau khi tốt nghiệp một trường đại học tại TP Hồ Chí Minh, Hoa quyết tâm ra đảo. Nơi quê nhà ở tỉnh Tuyên Quang, bố mẹ cũng chỉ biết gật đầu và ủng hộ chí hướng người con trai có mới hơn 20 tuổi.
Sinh năm 1985 nhưng Kim Thanh Hoa (phải) đã là chủ tịch xã đảo. |
Hoa cho biết, là người đứng đầu địa phương, nhưng Hoa là người trẻ nhất. Hỏi về cuộc sống và nhiệm vụ mới, Hoa nói chân thành rằng nếu ở đất liền thì vị trí anh đang có sẽ là "giấc mơ" đối với nhiều người.
Cùng chung ý nghĩ, nhiều bạn trẻ đang đảm nhận trọng trách trên một số địa giới hành chính của huyện đảo Trường Sa cho biết, việc nhận nhiệm vụ mới sẽ là môi trường tốt để tích luỹ kinh nghiệm. Khác với đất liền, ranh giới của người "làm công ăn lương" với người dân hầu như không có sự khác biệt. Đây là một môi trường để rèn dũa bản thân.
Khi được hỏi, người dân sinh sống ở thị trấn Trường Sa rất tự hào về đội ngũ cán bộ ra biển xa khởi nghiệp. Tuy ban đầu có khó khăn, nhiều bỡ ngỡ, nhưng sự thân tình giữa "quan" và dân như sợi dây ràng buộc bền chặt. Cuộc sống giữa biển khơi, khi gió biển mặn chát đi qua là hơi ấm tình người. Bền chặt và sâu đậm.
Quân dân trên thị trấn Trường Sa. |
Ông Bùi Đình Khởi, người dân trên đảo Sinh Tồn, cho biết, ra đảo mọi thứ đều "tuyệt vời". Theo ông, việc học hành của con cái cũng yên tâm hơn vì cán bộ xã kèm cặp kỹ, anh em có kiến thức nên đào tạo bài bản.
"Nếu ở đất liền bà con còn bị 'hành' bởi thủ tục hành chính khi có việc cần đến chính quyền thì ngoài đảo, lãnh đạo xã như người thân trong nhà. Giải quyết việc gì cũng nhanh và thấu tình lắm", ông Khởi nói.
Không ở đâu, sự học lại có nhiều điều để nói như ở Trường Sa. Sĩ số mỗi lớp học chỉ vài ba em. Mỗi lần nắng lên, lớp học là nhà cô giáo căng phồng gió biển, những bài học vỡ lòng về tình tương thân tương ái được cô và trò cắm cúi chép ghi.
Khác với những chức danh lãnh đạo được "bầu bán", cô giáo Bùi Thị Nhung ở đảo Trường Sa Lớn được anh em và phụ huynh "phong" luôn chức hiệu trưởng. Nói hiệu trưởng cho oai, nhưng là cô giáo, Nhung một mình phải đảm trách việc dạy từ lớp mẫu giáo đến lớp 3.
Quân và dân trên đảo Sinh Tồn. |
"Bây giờ thấy cuộc sống ổn và dễ chịu hơn rồi, học sinh chăm ngoan và tiến bộ trong mỗi bài giảng. Đó là món quà của biển, của hơi thở đất liền dành tặng cô trò chúng tôi", cô giáo Nhung chia sẻ.
Chủ tịch UBND xã đảo Sinh Tồn Kim Thanh Hoa không giấu diếm cho biết, do neo người nên cán bộ làm công tác chính quyền cũng tham gia luôn việc dạy chữ. Vậy nên ở trên đảo thì không phân biệt là chủ tịch xã hay là dân, công tác giáo dục được huy động từ sức mạnh cộng đồng.
Đêm Trường Sa, vẫn tiếng sóng vỗ thân tàu, vẫn vầng trăng nhú lên giữa mênh mang sóng nước.
(Theo giadinh.net)