Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký quyết định thành lập Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử, trên cơ sở kiện toàn Ủy ban quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin (năm 2014).
Chủ tịch, Phó chủ tịch Ủy ban lần lượt là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó thủ tướng Vũ Đức Đam.
Ngoài ra, Ủy ban còn có sự tham gia của 8 Bộ trưởng, 2 thứ trưởng và lãnh đạo 4 doanh nghiệp là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội; Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam; Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Bưu điện Việt Nam; Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần FPT.
So với trước đây, sự góp mặt của 4 chủ tịch doanh nghiệp là một trong các điểm mới của Ủy ban lần này. Các ủy viên Ủy ban có nhiệm vụ tham mưu, giúp Chủ tịch, Phó chủ tịch Ủy ban về xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số; tham dự đầy đủ các cuộc họp Ủy ban và kịp thời báo cáo các vấn đề phát sinh...
"Ủy ban làm việc theo nguyên tắc dân chủ, công khai và do Chủ tịch quyết định", quyết định của Chính phủ nêu.
6 chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban
Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử có 6 chức năng, nhiệm vụ, trong đó đầu tiên là nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng về chủ trương, chiến lược, cơ chế, chính sách tạo môi trường pháp lý thúc đẩy xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử; tạo thuận lợi cho việc triển khai Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tại Việt Nam.
Ủy ban cũng sẽ giúp Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trong lĩnh vực nêu trên; cho ý kiến về các chiến lược, chính sách, dự án liên quan đến xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng...
Thủ tướng cũng giao các bộ ngành, địa phương lập Ban chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử của từng đơn vị.
“Nghĩ lớn, hành động nhanh, bắt đầu từ cái nhỏ nhất”
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng (Ủy viên thường trực kiêm Tổng thư ký Ủy ban), Việt Nam đã bắt tay vào xây dựng Chính phủ điện tử từ những năm 2000, gắn với quá trình thay đổi thể chế của bộ máy. Tuy nhiên, nhìn chung tốc độ phát triển còn quá chậm, không đồng đều, hệ quả là so với các quốc gia khác trong khu vực ASEAN, Việt Nam chỉ đứng khiêm tốn ở vị trí thứ 6.
Ông nêu rõ, việc triển khai Chính phủ điện tử vẫn còn tồn tại nhiều bất cập như thể chế pháp lý chưa toàn diện, nguồn nhân lực chất lượng cao còn rất yếu, hạ tầng cơ sở thông tin có độ an toàn thấp. Ngoài ra, các hệ thống thông tin dữ liệu chưa được kết nối thông suốt, triển khai các thủ tục hành chính còn thủ công, nặng tính giấy tờ.
Qua tìm hiểu của lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, trên thế giới, Estonia, Mỹ, Hàn Quốc, Úc, Trung Quốc hay Israel..., đang là những quốc gia dẫn đầu, nhanh chóng nắm bắt những lợi thế của phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số. Trong đó, Estonia được biết tới như "quốc gia số hóa" thành công nhất trên thế giới. Điều này giúp cho các cuộc họp diễn ra tại Estonia rất hiệu quả, và tiết kiệm thời gian.
Theo thống kê, trước đây một cuộc họp của chính phủ Estonia kéo dài tới 4-5 giờ, nhưng hiện nay chỉ mất trung bình 30 phút. Ngoài ra, việc áp dụng Chính phủ điện tử kết hợp kinh tế số giúp cho 99% dịch vụ công tại đất nước này được hỗ trợ trực tuyến, đã tiết kiệm 2% GDP và đứng đầu thế giới trong việc thu thuế và chỉ số kinh tế kỹ thuật số.
Ông Mai Tiến Dũng cho biết, thông điệp của Thủ tướng về xây dựng Chính phủ điện tử là “nghĩ lớn, hành động nhanh, bắt đầu tư cái nhỏ nhất”. Từ đầu năm 2018 đến nay, Chính phủ có nhiều cuộc làm việc nhằm đẩy nhanh tiến độ công việc liên quan. Tháng 5/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc làm việc về xây dựng Chính phủ điện tử và nhất trí thành lập Ủy ban nêu trên.
Văn phòng Chính phủ đang xây dựng dự thảo Nghị quyết về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2018-2020, định hướng 2025.
Trong đó, Chính phủ sẽ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tạo lập, quản lý và chia sẻ dữ liệu; xây dựng nghị định và các văn bản về chia sẻ thông tin giữa các cơ quan, tổ chức, trình Chính phủ trong năm 2019; nghiên cứu, xây dựng đề án về giải pháp kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan hành chính nhà nước bảo đảm tính khoa học cả về hành chính quản lý và công nghệ chia sẻ, kết nối, trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 11/2018.
"Chúng tôi sẽ tập trung hoàn thành xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia để chia sẻ thông tin trong đó chú trọng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; với nguyên tắc người dân, doanh nghiệp chỉ phải cung cấp thông tin một lần, tối ưu hoá việc sử dụng dữ liệu, tránh tình trạng trùng lặp, dư thừa dữ liệu", ông Dũng nói.
Trong năm 2018-2019, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện 128 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 127 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 ở các lĩnh vực: Năng lượng, xúc tiến thương mại, thương mại điện tử, giáo dục và đào tạo, đấu thầu, thú y, thuỷ sản, đường bộ, tài nguyên nước, bưu chính, viễn thông, internet, báo chí, nhà ở, dược...
Bốn mức độ dịch vụ công trực tuyến
Một, bảo đảm cung cấp đầy đủ các thông tin về thủ tục hành chính.
Hai, là dịch vụ công trực tuyến mức độ 1 và cho phép người sử dụng tải về các mẫu văn bản, khai báo để hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu.
Ba, là dịch vụ công trực tuyến mức độ 2 và cho phép người sử dụng điền và gửi trực tuyến các mẫu văn bản đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ. Các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện trên môi trường mạng.
Bốn, là dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và cho phép người sử dụng thanh toán lệ phí (nếu có) được thực hiện trực tuyến.