Giúp mẹ mổ gà, sửa soạn xong mâm xôi cúng rằm tháng giêng, Trần Văn Nam (20 tuổi) ở xã Thanh Long, huyện Thanh Chương (Nghệ An) lại tất bật chuẩn bị thu dọn ba lô, ra đường quốc lộ bắt xe vào Bình Dương làm công nhân.
![]() |
Sau Tết, thanh niên miền Trung lại hối hả bắt xe vào Nam, ra Bắc. Ảnh: Hà Nguyên Khoa. |
Bà Lan, mẹ của Hòa dù rất muốn con ở nhà làm ruộng rồi sớm xây dựng gia đình nhưng vì gia cảnh quá nghèo nên đành phải để cậu con trai ra đi. Bố mất sớm, 3 anh em Hòa tần tảo đùm bọc làm lụng cùng với mẹ nhưng không đủ ăn. Học xong phổ thông, anh trai đầu vào miền Nam làm công nhân rồi lấy vợ luôn trong đó, 2 năm sau, chị gái cũng theo anh lên đường, đến lượt Hòa, không còn cách nào khác cũng chọn cách vào Nam. “Anh trai và chị gái của nó cũng đang ở miền Nam, Tết này không có tiền về mà phải ở lại làm thêm, nay thằng em cũng phải vào miền Nam chứ ở nhà thì không biết lấy chi mà sống, thanh niên làng ni cũng đi Nam cả rồi”, bà Lan tâm sự.
Đưa con ra quốc lộ 46 để bắt xe đò, bà Lan như nhận được niềm an ủi phần nào khi hàng trăm người cha, người mẹ khác có chung nỗi niềm đang lục tục đứng chờ xe trên đầu cầu Rộ. Chiếc xe khách đã kín chỗ chạy đến, réo những hồi còi inh ỏi khiến hàng trăm thanh niên đứng đợi nhốn nháo. Bà Lan không cầm được nước mắt khi cậu con trai ôm chầm lấy mẹ rồi bước lên xe và chỉ kịp nói một câu “Chào mẹ con đi!”.
Chuyến xe khách đi mất hút, hàng chục ông bố, bà mẹ vẫn cố gắng dõi theo mà lòng buồn rười rượi.
Thanh Chương là một trong những huyện nghèo của tỉnh Nghệ An, đời sống người dân còn gặp rất nhiều khó khăn, hầu hết không có nghề phụ, nghề nông nghiệp chỉ giúp người dân đủ ăn và đa số thanh niên sau khi học xong phổ thông không có điều kiện học lên đều chọn con đường vào các khu công nghiệp ở miền Nam để kiếm sống. Rất nhiều em học sinh vì điều kiện gia đình quá khó khăn cũng đã phải bỏ học giữa chừng để theo chân các anh chị lớn.
“Tâm lý thanh niên bây giờ không muốn làm ruộng nữa mà muốn tìm công việc ở các nhà máy, xí nghiệp nếu không có điều kiện học lên. Các anh, chị đi miền Nam trước thường dắt theo các em, các cháu của mình vào theo, cứ như vậy, hết thế hệ này sang thế hệ khác, thanh niên quê tôi dắt nhau vào miền Nam kiếm sống”, một cán bộ xã Thanh Tùng, huyện Thanh Chương cho biết.
Không chỉ vào miền Nam sau mỗi dịp Tết, thanh niên miền Trung hiện nay còn có xu hướng “xuất ngoại” làm công nhân ở Lào, Trung Quốc.
Ngày 18 Tết, chiếc xe khách chất lượng cao chạy tuyến Vinh – Móng Cái (Quảng Ninh) chật ních khách, xe chạy đến đoạn ngã ba Yên Lý trên quốc lộ 1A, khoảng 25 thanh niên dân tộc Thái ở huyện miền núi Tương Dương (Nghệ An) bập bẹ tiếng phổ thông cùng nhau bước lên xe để đi Móng Cái.
Sau một hồi ổn định chỗ ngồi, nam thanh niên Vi Văn Chớ (25 tuổi) cho biết, từ mấy năm nay, thanh niên của xã Nhôn Mai bắt đầu chuyển hướng kiếm sống, thay vì vào các khu công nghiệp ở miền Nam thì nay họ lại “hành quân” ra Bắc, sang bên kia biên giới Trung Quốc làm công nhân cho các nhà máy nhựa của nước bạn.
“Làm công nhân nhựa ở Trung Quốc nếu tăng ca cật lực cũng được khoảng 5 đến 6 triệu tiền Việt một tháng, nhiều hơn chút ít so với ở miền Nam nhưng được cái không phải tụ tập nhậu nhẹt tốn kém. Chúng tôi đi miền Nam hai năm mà không tích cóp được đồng nào vì suốt ngày anh em rủ nhau ăn nhậu nên phải về quê rồi sang Trung Quốc để làm thuê. Dù độc hại và mệt nhọc nhưng vẫn còn hơn ở nhà đi đốt rẫy”, Chớ cho biết.
Cùng chung tâm lý như Chớ, nhiều thanh niên sau khi đã bôn ba hết các khu công nghiệp ở Bình Dương, Đồng Nai, TP HCM,… đã tính đường rủ nhau sang Lào để làm ăn.
“Ở Lào dễ làm kinh tế hơn ở nhà, chúng tôi sang đó làm cho các đồn điền cao su của những ông chủ người Việt, được trả lương cao hơn ở miền Nam lại tích trữ được tiền vì không phải chi vào những cuộc nhậu nhẹt, cưới hỏi linh đình. Mặc dù rất nhớ nhà nhưng vì cuộc sống mưu sinh nên ai cũng cố gắng”, anh Nguyễn Cảnh Hương, một thanh niên đang bắt xe xuống thành phố Vinh để đi Lào chia sẻ.
Hương cho biết, sau một thời gian vào miền Nam rồi đi xuất khẩu lao động sang Nga nhưng không đủ vốn làm ăn, anh mạnh dạn sang Lào, thấy làm ăn được, Hương đã đưa theo 2 cậu em trai của mình cùng nhau xuất ngoại kiếm sống.
![]() |
Phong trào ly hương đã khiến các làng quê miền Trung vắng tanh, cụ già, em nhỏ phải ra đồng làm việc. Ảnh: Hà Nguyên Khoa. |
Không chỉ thanh niên mà nhiều đàn ông trung niên ở miền Trung cũng có xu hướng bỏ ruộng vườn lại cho vợ con để đi xuất ngoại kiếm tiền. Những ngày sau Tết, người dân Nghệ An, Hà Tĩnh lại chen nhau đi làm hộ chiếu, giấy thông hành để sang Lào, Thái Lan, Trung Quốc hoặc đi xuất khẩu lao động. Trung bình mỗi ngày, Phòng Quản Lí xuất nhập cảnh Nghệ An tiếp nhận và giải quyết cho hơn 600 hồ sơ xin cấp hộ chiếu và hơn 200 hồ sơ xin cấp giấy thông hành. Đại diện đơn vị này cho biết, lượng hồ sơ xin cấp hộ chiếu và giấy thông hành tăng đột biến từ sau Tết. Người dân làm giấy tờ chủ yếu để đi xuất khẩu lao động tại Thái Lan, Lào, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Nga,… một số ít đi du học.
Cơn lốc ly hương sau mỗi dịp Tết đã xảy ra từ khá lâu ở miền Trung và mấy năm nay, số lượng người vào miền Nam, ra Bắc, đi xuất ngoại làm thuê càng tăng lên. Không thể phủ nhận một điều là cơn lốc này đã góp phần giải quyết công ăn việc làm cho thanh niên, tăng thêm thu nhập cho các gia đình ở nhà và góp phần làm thay đổi bộ mặt ở các vùng nông thôn miền Trung. Thế nhưng, cơn lốc ấy cũng đang khiến các làng quê vắng dần bóng thanh niên. Trên các đồng ruộng, bây giờ chủ yếu còn lại các chị, các mẹ và các cụ già, em nhỏ làm việc; một số diện tích đất phải bỏ hoang vì thiếu lao động.
“Trước đây, vào ngày mùa, thanh niên hùng hục lăn ra đồng thì nay chỉ toàn phụ nữ luống tuổi và các em nhỏ. Mỗi dịp lễ, cưới hỏi, thanh niên cùng nhay xắn tay vào làm khiến làng trên xóm dưới đều đông vui nhưng nay thì không thấy đâu, các đoàn thể địa phương ở các làng quê giờ cũng thiếu vắng thanh niên cả rồi”, một cụ già ở xã Thanh Tùng, huyện Thanh Chương (Nghệ An) tâm sự trong lo lắng.
Hà Nguyên Khoa