Jannette Spiering, đồng sáng lập cơ sở Hogeweyk, không thích tên gọi "làng sa sút trí tuệ". Nhưng sau khi phóng viên một hãng tin quốc tế đến thăm và gọi Hogeweyk bằng biệt danh như vậy, cư dân tại đây đã chấp nhận cái tên này.
"Chấp nhận dễ dàng hơn là chống lại nó", Spiering nói, cho rằng việc dùng từ làng hay "khu dân cư" để mô tả cơ sở sẽ phù hợp hơn, bởi điều đó góp phần mang lại cuộc sống bình thường cho những người mắc chứng sa sút trí tuệ đang được điều trị tại đây.
Làng Hogewek mở cửa năm 2009 tại Weesp, ngoại ô Amsterdam, Hà Lan, để cung cấp "dịch vụ chăm sóc gần gũi nhất cho người mắc chứng sa sút trí tuệ".
Thay vì thành lập một cơ sở như bệnh viện, Hogeweyk được xây dựng như một ngôi làng, với siêu thị, quán rượu, nhà hát và công viên, cung cấp môi trường quen thuộc và an toàn, trong đó bệnh nhân vẫn giữ được vai trò riêng và quyền tự chủ tối đa.
Làng có 27 ngôi nhà, mỗi nhà có khoảng 7 cư dân là các bệnh nhân mắc chứng sa sút trí tuệ nghiêm trọng. Những người này tham gia quản lý căn nhà, cùng với đội ngũ nhân viên chăm sóc, trong đó có các nhân viên y tế và tình nguyện viên.
152 cư dân được tự do đi lại trong làng, không cần người chăm sóc theo cùng, chỉ có một giám sát viên trông chừng ở cổng ra vào. Khách bên ngoài đều được chào đón khi đến thăm làng.
Bà Spiering cho hay làng Hogeweyk là một phần trong nỗ lực thay đổi cách đối xử với những người mắc chứng sa sút trí tuệ. Theo bà, cách chăm sóc, hỗ trợ những người này ở nhiều nơi khác đã bị "y tế hóa" đến mức khó có thể thay đổi.
"Nếu muốn tiếp tục cuộc sống, họ cần được coi là những người bình thường, không muốn bị nhốt hay hạn chế quyền tự do, cũng như được nhận hỗ trợ và an ninh cần thiết", bà nói.
Tại Hogeweyk, các tòa nhà và tiện ích đều nhằm hỗ trợ nhu cầu của những những người mắc chứng sa sút trí tuệ. Cư dân có môi trường để giao tiếp và kết nối với nhau theo cách riêng, trong lúc đi siêu thị, đi dạo hoặc trong nhà hàng.
"Ngay cả những bệnh nhân trong giai đoạn cuối của bệnh Alzheimer, chúng tôi nhận thấy họ vẫn tìm cách đưa ra những lựa chọn riêng và thể hiện hành vi xã hội", bà Spiering cho biết. "Họ có thể vẫn có những cuộc trò chuyện mà chúng tôi không hiểu được, nhưng nó có ý nghĩa với họ. Kết nối và giao tiếp là rất quan trọng".
Ở Landais, một ngôi làng ở Pháp có mô hình tương tự Hogeweyk, cư dân cũng có thể nhìn cuộc sống "không chỉ qua lăng kính bệnh tật". "Mọi người có thể sống như đang ở nhà, đi lại tự do", Mathilde Charon-Burnel, giám đốc các dự án y tế, xã hội tại làng, cho biết.
Theo Charon-Burnel, lối sống như vậy mang lại rất nhiều lợi ích cho bệnh nhân, tạo ra thay đổi lớn và tích cực với nhiều người.
"Các dịch vụ trị liệu cũng rất quan trọng để giúp mọi người trong làng duy trì kỹ năng, năng lực lâu nhất có thể. Kết quả là chúng tôi không ghi nhận rõ rệt tình trạng lo lắng, trầm cảm của mọi người khi mắc một căn bệnh thần kinh như vậy", cô nói.
Theo bà Spiering, quan điểm y tế hóa hoàn toàn các dịch vụ chăm sóc người mắc chứng sa sút trí tuệ là một trong những lý do khiến những mô hình như làng Hogeweyk ở Hà Lan chưa xuất hiện phổ biến.
"Chúng tôi muốn thoát khỏi khuôn khổ này, và điều chỉnh thành 'mô hình chăm sóc quan hệ xã hội', nơi cân bằng cuộc sống, hạnh phúc và dịch vụ chăm sóc. Bởi xét cho cùng, tất cả mọi người đều cần điều này, không chỉ các bệnh nhân mất trí nhớ", bà nói.
Tại Hogeweyk và Village Landais, "không có gì giống bệnh viện, nhân viên thậm chí không khoác áo blouse trắng", Charon-Burnel nói.
Đức Trung (Theo SCMP)