Trong chiếc ba lô nặng trĩu của con lúc nào cũng phải có đủ những cuốn sách theo danh mục yêu cầu đó, nhiều khi chỉ vì “nhỡ cô bảo lấy ra học”. Mỗi lần cùng con soạn sách vở và đồ dùng học tập, mẹ con lại bất đồng vì mẹ muốn bỏ bớt ra, con khăng khăng cho hết vào. Có những môn cần đến ba quyển sách và ba quyển vở. Ví dụ, riêng môn Tiếng Việt lớp Một thì có: sách giáo khoa Tiếng Việt, sách - vở tập viết, sách - vở bài tập Tiếng Việt. Chiếc ba lô của con tôi thường xuyên nặng vài cân. Lần nào xách thử những chiếc ba lô của học trò, tôi cũng xót xa vì quá nặng.
Lên cấp học cao hơn, mỗi môn học cũng thường phải có ít nhất hai đầu sách. Ngoài ra, tùy từng trường, tùy từng môn, tùy từng giáo viên, học sinh được yêu cầu trang bị thêm vở bài tập - được in dưới dạng sách, rồi sách tham khảo.
Có khoảng 20 triệu học sinh bước vào năm học mới mỗi năm. Một trong mối quan tâm hàng đầu của phụ huynh là mua đủ sách giáo khoa cho con. Sách năm trước của anh, năm nay em không dùng được. Nên năm nào cũng vậy, nhu cầu về sách giáo khoa không bao giờ giảm, dù còn rất nhiều gia đình nghèo, để mua một bộ sách giáo khoa cũng phải suy nghĩ, chưa kể nếu họ có vài ba đứa con đi học.
Nói đến sách, nói đến gần 100 triệu bản sách phải bỏ đi hàng năm do không thể tái sử dụng, tôi lại ngậm ngùi nhớ đến một người bạn. Nhiều năm nay, cứ chuẩn bị vào năm học mới, anh lại đau đáu làm thế nào để có sách cho trò nghèo vùng cao. Sách mới thì không đủ tiền mua, sách cũ xin được thì không thể dùng. Vậy mà người ta vẫn thản nhiên biến sách cũ thành đồng nát, thản nhiên nhìn trẻ nghèo thất học, và vẫn thản nhiên vẽ lên những kế hoạch nghìn tỷ. Sự thản nhiên đó đáng sợ ở chỗ luôn có sức bao trùm và lan rộng không thể kìm hãm. Nó vẫn chưa được phanh lại bởi những người có trách nhiệm, có thẩm quyền đã không làm gì; còn những người dân thường chỉ biết hiền lành tuân thủ hoặc thở dài chấp nhận.
Cơ chế độc quyền dành cho Nhà xuất bản Giáo dục trong việc phát hành sách giáo khoa suốt hàng chục năm qua liệu có tạo ra những mục tiêu phi giáo dục? Dư luận đã đặt hoài nghi như vậy khi sách liên tục được cải cách sửa đổi từ dạng có thể dùng nhiều lần sang dạng chỉ dùng được một lần, từ hình thức một cuốn cho một môn học đến nhiều cuốn cho một môn học; khi chính Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đã nhấn mạnh có thực tế là nhiều trường bằng cách này hay cách khác ‘ép’ học sinh, phụ huynh mua sách tham khảo để hưởng hoa hồng, rằng đây là “một trong những biểu hiện của tiêu cực trong giáo dục”.
Một lớp học ở trường công có sỹ số trung bình là 45 học sinh với năng lực nhận thức cũng như định hướng tương lai khác nhau. Nên sách giáo khoa trong các trường phổ thông, theo tôi, chỉ đủ sức gánh một sứ mệnh duy nhất là trang bị cho học sinh những kiến thức cơ bản ở mức độ phổ cập. Để vượt qua giới hạn phổ cập và đạt mục tiêu cao hơn, xa hơn, sách giáo khoa cũng như những bộ sách được biên soạn dành cho giáo duc đại trà chắc chắn không phải là lựa chọn tối ưu.
Bản thân tôi từ lâu cũng đã không còn phụ thuộc nhiều vào sách giáo khoa khi lên lớp. Với tôi nếu một giờ học chỉ xoay quanh nội dung trong sách giáo khoa thì cực kỳ đơn điệu và nhàm chán. Tôi luôn cố gắng sử dụng máy chiếu, máy tính, tranh ảnh, phim, bài hát hoặc các tài liệu bổ trợ để giúp học trò tiếp cận kiến thức một cách tự nhiên và hiệu quả nhất. Tất nhiên, mỗi môn học có một đặc thù và không phải lúc nào chúng tôi cũng có thể soạn được những giáo án như vậy. Trong điều kiện giáo viên bị bó chặt giữa vô số khó khăn như hiện tại thì việc này đòi hỏi sự cố gắng và tâm huyết rất lớn.
Dạy học không phụ thuộc nhiều vào sách giáo khoa cũng là cách dạy mà tôi đã tiếp nhận được trong thời gian học tập tại Nhật Bản. Buổi học đầu cách đây gần 20 năm đã cho tôi ấn tượng sâu sắc đến tận bây giờ. Giờ học bắt đầu bằng một bài hát do ca sỹ nổi tiếng của Nhật trình bày, xen kẽ các đường link có nội dung liên quan đến bài học, những hình ảnh sống động của lớp lớp thanh niên đầy sức trẻ và hoài bão trong công cuộc kiến thiết đất nước đã chuyển tải đến trái tim cũng đầy sức trẻ và hoài bão của tôi khi đó một nguồn năng lượng mạnh mẽ.
Người thầy cứ thế hướng đạo cho tôi tiếp cận những kiến thức đất nước học, văn hóa và giáo học pháp một cách đầy sáng tạo. Còn sách giáo khoa được dùng để tham khảo, được xem như một khung năng lực để tham chiếu. Hết khóa học, tôi đạt được cấp độ gì, biết vận dụng kiến thức ra sao, và quan trọng là trở thành con người có tố chất như thế nào, đó mới chính là thước đo chất lượng giảng dạy của người thầy.
Rõ ràng chất lượng giáo dục không hề phụ thuộc vào một bộ sách giáo khoa duy nhất, càng không thể giao phó cho một nhóm người độc quyền định đoạt con đường tiếp cận tri thức cho khoảng 20 triệu học sinh phổ thông. Có rất nhiều chiếc chìa khóa để mở các cánh cửa khác nhau dẫn vào những ngôi nhà khác nhau. Người thầy nào tìm được chiếc chìa khóa hữu hiệu nhất, mở được cánh cửa dẫn vào ngôi nhà tốt nhất sẽ trở thành lựa chọn tất yếu của xã hội.
Năm học này, khoảng 100 triệu bản sách được bán ra, đồng nghĩa với việc khoảng 100 triệu bản sách trở thành giấy vụn, và khoảng 1.000 tỷ đồng của phụ huynh phải trả cho các đại lý sách. Bên cạnh sự lãng phí đó, tôi lại bị ám ảnh bởi những ánh mắt của trẻ vùng cao khi không có nổi một cuốn sách để đón ngày khai giảng.
Công nghệ làm sách giáo khoa, vì đâu, đã thiếu nhân văn ngay trong chính một ngành nghề cần nhân văn nhất?
Đỗ Sông Hương