Ông Tào Hữu Phùng. |
- Lâu nay, QH và dư luận xã hội cũng đã nói nhiều đến tình trạng lãng phí ngân sách, theo ông, lĩnh vực nào đang lãng phí nhiều nhất?
- Lãng phí lớn nhất là trong xây dựng cơ bản ở hầu hết các khâu. Lãng phí từ chủ trương đầu tư không đúng, không đồng bộ dẫn tới đầu tư sai. Chẳng hạn, khi giám sát quy hoạch, xây dựng 34 nhà máy đường thì mới thấy đau xót, nợ lên tới 3.000 tỷ đồng không trả được, hàng năm lãi phải trả ngân hàng tới cả nghìn tỷ đồng. Chúng ta đã tìm nhiều giải pháp nhưng không giải quyết nổi do đã sai từ gốc, từ chủ trương đầu tư. Ví như nhà máy đường Linh Cảm (Hà Tĩnh), vụ mía chỉ có 2-3 tháng rồi hết, hoặc có tỉnh như Khánh Hòa có tới 2-3 nhà máy đường...
Dự án đánh bắt xa bờ cũng vậy, giờ vỡ nợ chỉ thu hồi được 15-20% vốn đầu tư. Rồi đầu tư xong, nhà máy không sử dụng được do thiếu nguyên liệu như nhà máy hoa quả Bắc Giang, nhà máy cà chua Hải Phòng... Không quy hoạch vùng nguyên liệu, không cân đối khả năng chế biến với vùng nguyên liệu, lãng phí rất tai hại.
- Đi đôi với chống lãng phí là phải tiết kiệm, ông cảm nhận thế nào về việc thực hành tiết kiệm tại các cơ quan hiện nay?
- Hiện nay, miền Bắc đang điêu đứng vì thiếu điện. Các nhà chuyên môn đã phân tích, mỗi gia đình chỉ tiết kiệm, tắt đi một bóng đèn neon 40W, cả nước tiết kiệm được hàng trăm MW điện mỗi tháng rồi. Tuy nhiên, nhiều hành lang cơ quan ban ngày vẫn sáng đèn, rồi điều hòa bật cả ngày đêm. Ngay trong nhân dân, đặc biệt là những gia đình khá giả, việc sử dụng điện rất lãng phí. Họ đâu có xài "tiền chùa" nhưng đó là thói quen “lãng phí” của mỗi người.
Nhiều năm làm thứ trưởng Tài chính tôi rất "thấm đòn" với những dịp lễ lạt. Mỗi lễ đón nhận Huân chương, kỷ niệm thành lập ngành, khai trương... lẵng hoa tặng tơi tới, tiệc tùng tràn lan. Tôi vừa đi dự sơ kết 5 năm thực hiện kế hoạch của một cơ quan mà đếm được tới 25 lẵng hoa, lẵng rẻ nhất cũng là 200.000 đồng. Với tối thiểu 5 triệu đồng, nếu suy tính chi li, có thể giúp đỡ bao nhiêu trẻ em khó khăn!
- Thế tại sao những nhà tổ chức hội nghị không ghi vào giấy mời là miễn tặng hoa?
- Nhiều hội nghị giấy mời cũng ghi rõ là không tặng hoa đấy chứ nhưng người ta cứ đem đến thì biết làm thế nào. Hồi kỷ niệm 45 năm thành lập Bộ Tài chính, tôi cũng ghi rõ là không mang hoa quà nhưng cũng có 40-50 lẵng hoa. Hôm sau vứt đi, tiếc tiền lại khổ cả người dọn vệ sinh. Chuyện lãng phí thành thói quen của người VN rồi, đi dự lễ kỷ niệm chẳng lẽ đến tay không. Do vậy, chúng ta phải tuyên truyền và lãnh đạo phải làm gương. Khi được mời dự các hội nghị, lễ kỷ niệm tôi đã tuyên bố là chỉ đến chức mừng, không đem theo hoa.
- Luật lần này cũng đã có quy định cấm sử dụng ngân sách nhà nước để tổ chức khởi công, khánh thành các công trình xây dựng. Theo ông cần phải cấm những hoạt động lễ lạt nào nữa?
- Khi Quốc hội thảo luận dự luật này, tôi sẽ phát biểu, đề nghị cấm luôn những hội nghị, tổng kết không cần thiết mà chỉ nên giữ lại một số cuộc đặc biệt, do Thủ tướng quyết định. Không cấm, lại được sử dụng ngân sách nên người ta rất lãng phí. Nếu anh không tổ chức lễ khởi công long trọng thì nó vẫn diễn ra như vậy. Vấn đề là làm sao đảm bảo chất lượng công trình, chứ không phải khánh thành rình rang.
- Nhưng thưa ông, tình trạng lãng phí tài sản công tràn lan còn có nguyên nhân là cơ chế thưởng phạt chưa hợp lý. Người lãng phí không bị xử phạt đích đáng, người tiết kiệm chưa được khen thưởng?
- Dự luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đưa ra những chế tài xử lý hành vi lãng phí hết sức cụ thể. Trong đó có cả mức truy tố trách nhiệm hình sự. Người đứng đầu cơ quan chi tiêu ngân sách nếu để xảy ra lãng phí sẽ phải chịu trách nhiệm. Cơ chế mạnh là để tạo được một thói quen tiết kiệm. Nếu không, có những người muốn tiết kiệm cũng thấy xấu hổ, chẳng nhẽ người khác tặng hoa mà mình không tặng. Lâu dần nó thành là một thói quen, tập tục. Sắp tới Kiểm toán Nhà nước sẽ về Quốc hội, việc công khai hóa kết quả kiểm toán là “đòn” rất hay. Anh lãng phí thì tôi công khai hết. Từ đó sẽ tạo được áp lực rất lớn, đặc biệt là khi báo chí vào cuộc.
- Việc khoán kinh phí hoạt động, khoán biên chế được coi là giải pháp hữu hiệu để ngăn lãng phí, nhưng tại sao đến giờ vẫn chỉ là thí điểm?
- Ủy ban kinh tế và ngân sách đã có công văn đề nghị Chính phủ sơ kết lại việc thí điểm khoán kinh phí hoạt động đối với các đơn vị sự nghiệp có thu. Sau thời gian thí điểm thì sơ kết, tổng kết hoàn chỉnh lại để có cơ chế phù hợp áp dụng rộng rãi. Theo tôi khoán là rất tốt, gắn trách nhiệm với quyền lợi, tạo cho người ta ý thức tiết kiệm. Đồng tiền liền khúc ruột, khi khoán thì các cơ quan tiết kiệm được nhiều. Khi tiết kiệm được khoản chi, lương tăng lên.
- Nhiều ý kiến đề nghị khoán chi phí điện thoại, ôtô của cán bộ vào lương, thậm chí một số thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội tỏ ý sẵn sàng đi xe đạp nếu thực hiện khoán. Ông nghĩ sao về ý nghị này?
- Khoán chi phí điện thoại thì đã áp dụng rồi nhưng tiền tệ hóa xe công vào lương là không khả thi. Lương bộ trưởng hiện khoảng 3 triệu đồng/tháng, nếu khoán chi phí ô tô vào lương thì bao nhiêu cho đủ. Nếu khoán thì 50 triệu đồng/tháng cũng không đủ. Hơn nữa, một chính khách, một bộ trưởng mà không có ô tô đi, phải đi xe ôm thì coi làm sao được. Ở các nước, lương thứ trưởng của họ là 15.000 USD/tháng, còn ở ta lương chỉ 200 USD/tháng thì làm sao khoán được.
Việt Anh thực hiện