"Nhờ biết cách phân loại và tái chế rác mà nhà cửa, đường làng ngõ xóm lúc nào cũng sạch sẽ. Trước đây ngày nào cũng một, hai xô rác chất đầy. Hôm nào chậm thu gom là bốc mùi hôi thối, ngày mưa nước chảy nhếch nhác, bẩn thỉu", bà Nguyễn Thị Loan, 67 tuổi, ở thôn Nghĩa Vũ, xã Dục Tú, huyện Đông Anh nói.
Gia đình bà Đào Thị Mận (79 tuổi) cũng tương tự. Hai năm nay, lượng rác của gia đình giảm tới 70%, chỉ còn khoảng 30% chủ yếu là túi nilon, bỉm mới cần đến dịch vụ thu gom vệ sinh.
"Trước tất cả rác vứt chung, ngày nào cũng phải chở vài túi đến điểm tập kết đầu làng. Giờ biết cách phân loại rác, chuyện đi đổ rác nhàn lắm", bà cho hay.
Phân loại rác đã thành thói quen của 257 hộ dân thôn Nghĩa Vũ. Bà Lê Thị Huế (trưởng thôn) cho biết từ tháng 2/2021 thôn được Phòng tài nguyên môi trường huyện Đông Anh phối hợp tổ chức Live & Learn triển khai kỹ thuật phân loại rác. Cán bộ thôn đã đi phân loại và cân rác của từng hộ gia đình, kết quả cho thấy bình quân mỗi nhà thải ra 50-60% rác hữu cơ; 0,7-13% rác có thể tái chế, 30% là thuộc loại không thể tái chế.
"Rác tái chế sẽ có những người đồng nát trong thôn thu mua tại nhà. Rác hữu cơ được hướng dẫn ủ thành phân bón ruộng vườn, tức chỉ còn chưa tới 1/3 lượng rác mang đi xử lý", bà Huế nói.
Đặc thù thôn đa phần các hộ có đất nông nghiệp nên việc phân loại rác sẽ tận dụng được nguồn phân để trồng hoa màu. Ban đầu người dân được hướng dẫn sử dụng thùng xốp, thùng sơn, hoặc đào hố chôn rác hữu cơ. Chính quyền hỗ trợ chế phẩm sinh học, khi pha cùng với đường và nước sẽ giúp xử lý rác thành phân sau khoảng 2-3 tháng. Công nghệ ủ này không phát sinh mùi hôi, không sinh ra ruồi bọ, khuôn viên xung quanh gọn gàng, sạch sẽ.
Phong trào hiệu quả chỉ sau vài tháng. Từ chỗ có khoảng 50 hộ tham gia, đến nay đã có thêm 207 hộ tham gia ủ rác thành phân trồng rau, 11 hộ biến rác hữu cơ thành thức ăn chăn nuôi. Các hộ còn lại (công nhân và buôn bán), rác hữu cơ được phân loại, bỏ vào thùng chứa đặt trên các tuyến đường do thôn bố trí, để các hộ có nhu cầu lấy bón ruộng, bón cây cảnh. Từ kinh phí do người dân đóng góp, đến nay toàn thôn có 135 thùng ủ rác hữu cơ "Thạch Sanh", giúp việc ủ rác hữu cơ hiệu quả và sạch sẽ hơn.
Phân loại rác tại nguồn đã mang lại nhiều lợi ích cho người dân thôn Nghĩa Vũ. Đường làng ngõ xóm sạch sẽ, các khu vườn xanh công cộng tốt tươi nhờ có nguồn phân bón sạch sẽ, dồi dào. Lượng rác thải mang đi giảm đáng kể. Toàn thôn có gần 1.000 nhân khẩu, trước đây mỗi ngày xe thu gom rác đến một lần, thu 6 xe; nay xe rác chỉ cần đến hai lần một tuần, mỗi lần 4-5 xe. Công việc của người đi thu gom rác đỡ vất vả. Nhiều người dân còn đùa "vì không có rác mà thu nên chi phí thu gom rác có khi phải được giảm".
Đến với thôn Nghĩa Vũ hiện nay, trong từng đường làng ngõ xóm không hề có túi rác đặt trước mỗi nhà, thay vào đó là những thùng rác hữu cơ xanh sạch. Nhiều gia đình chủ động được rau sạch và còn gia tăng thu nhập.
Tuy nhiên theo trưởng thôn Lê Thị Huế, tạo thói quen ban đầu cho người dân không dễ do từ trước tới nay cứ cái gì không dùng là bỏ thùng rác. Việc phân loại mất thêm thời gian, thao tác khiến nhiều người ngại. Một số gia đình ủ rác chưa đúng cách, gây mùi, phát sinh ruồi, bọ nên nản.
Cán bộ thôn đã thành lập một nhóm chat trên mạng xã hội có sự tham gia của các chuyên gia để hỗ trợ các gia đình làm đúng kỹ thuật; phối hợp với mọi ban ngành, từ trường mầm non để dạy các cháu, hội người cao tuổi, hội phụ nữ, kể cả các CLB thể thao, văn nghệ để tuyên truyền cho hội viên; thậm chí còn lồng tiểu phẩm phân loại rác để tuyên truyền trong hội làng; tổ chức khen thưởng các cá nhân, tập thể làm tốt; đưa phân loại rác vào tiêu chí xét duyệt gia đình văn hóa...
"Quan trọng nhất trong ba tháng đầu nhóm nòng cốt phân loại rác cắp nón đi từng hộ kiểm tra hàng ngày. Sau khi hình thành thói quen thì đi kiểm tra một tuần một buổi và hiện nay là hai tuần một buổi", bà Huế, trưởng nhóm, cho biết.
Sau khi Luật Bảo vệ môi trường 2020 được thông qua, huyện Đông Anh là một trong các địa phương đầu tiên của Hà Nội thực hiện phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn. Từ tháng 2/2021, ba thôn Hà Lỗ (xã Liên Hà), Lương Quán (xã Việt Hùng) và Nghĩa Vũ (xã Dục Tú) được chọn thí điểm. Các cơ quan chức năng đã tập huấn cho người dân về phân loại rác tại nguồn; cách ủ rác hữu cơ làm phân bón, nuôi trùn quế; hỗ trợ các thôn lắp đặt sân chơi từ vật liệu tái chế.
Mô hình hiệu quả nên được nhân rộng ra 24 xã, thị trấn trên toàn huyện, với hơn 7.600 hộ dân. Lượng rác thải mỗi ngày trên địa bàn đã giảm đáng kể, tiết kiệm được nhiều công sức, chi phí.
Với gia đình bà Mận hiện nay, cơm thừa, vỏ trứng, cọng rau, vỏ trái cây phát sinh trong sinh hoạt hằng ngày đều được bỏ vào thùng ủ phân hữu cơ. "3/4 lượng rác thải ra mỗi ngày được xử lý tại chỗ thành phân bón. Từ lúc biết ủ phân hữu cơ, nhà tôi có rau sạch để ăn", bà Mận nói.
Nguồn phân này rất giàu dinh dưỡng và giúp việc trồng rau nhàn hơn. Bà chia sẻ, lúc làm đất bón chút phân này, sau đó thi thoảng lấy rỉ nước tưới là gần như không cần phải chăm sóc hay tốn chi phí gì khác. Hai luống rau bà trồng đáp ứng thoải mái cho nhu cầu của gia đình gần chục người.
Nhà bà Loan có 240 m2 trồng rau đủ loại và một vườn lan tươi tốt, tất cả chỉ dựa vào nguồn rỉ nước và phân từ rác nhà bếp. Bà thoải mái rau ăn và chăn nuôi hơn 50 con gà vịt, cung cấp rau cho con cháu và còn được bán. "Rau nhà tôi được người ta đặt mua tại ruộng, chưa mang tới chợ đã hết và cũng được giá hơn", bà nói.
Hôm 6/11, Bộ Tài Nguyên và Môi trường ban hành Hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt, trong đó yêu cầu các tỉnh, thành sẽ tuyên truyền để người dân phân chia rác thành ba loại, muộn nhất đến 31/12/2024.
Phân loại rác tại nguồn nhằm tận dụng phế liệu tái chế, phân compost tự chế biến, giảm thiểu tổng lượng rác thải trong cộng đồng, tiết kiệm chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý. Theo Nghị định 45/2022, hộ dân không phân loại rác bị phạt đến một triệu đồng.
Video: Mô hình ủ rác nhà bếp thành phân bón hữu cơ
Quỳnh Nguyễn - Phan Dương