Thứ bảy, 30/11/2024
Thứ tư, 23/10/2024, 07:00 (GMT+7)

Làng người Tày ẩn hiện trong sương ở Lạng Sơn

Làng Quỳnh Sơn ở Lạng Sơn có hàng trăm ngôi nhà gỗ mái ngói âm dương, cửa quay về một hướng và được bao phủ trong mây quanh năm.

Làng Quỳnh Sơn thuộc xã Bắc Quỳnh, huyện Bắc Sơn với gần 450 ngôi nhà sàn tuổi đời gần trăm năm. Làng có khoảng 1.800 nhân khẩu là dân tộc Tày định cư lâu đời.

Bên cạnh cảnh quan, điều thu hút ở làng là các ngôi nhà sàn có kiến trúc đồng nhất, với mái được lợp bằng ngói âm dương và cửa quay về hướng nam, tạo không gian thoáng mát.

Ngôi làng nằm giữa thung lũng, ở độ cao hơn 600 m, được sông và các dãy núi đá vôi bao phủ nên quanh năm nhiều sương mù, mây phủ. Làng cũng là nơi các dân tộc Nùng, Dao sinh sống dưới nếp nhà sàn truyền thống.

Thời điểm đẹp nhất trong năm ở Quỳnh Sơn là từ tháng 7 đến tháng 10. Toàn bộ thung lũng mùa này phủ màu vàng óng của cánh đồng lúa chín. Khung cảnh làng quê với nhà sàn, mái ngói, lấp ló giữa biển mây núi rừng khiến nhiều du khách nhận xét đây là "ngôi làng đẹp nhất Việt Nam".

Nhìn trên cao, những ngôi nhà sàn nằm san sát nhau. Nhiều khách nhìn qua dễ lầm tưởng các ngôi nhà sàn đều giống như một nhưng vẫn có điểm khác nằm ở cổng, tường hay hàng hiên trước nhà.

Từ năm 2010, Quỳnh Sơn chuyển đổi thành làng du lịch cộng đồng. Người dân có ý thức trong việc bảo vệ môi trường, giữ gìn cảnh quan. Họ xử lý rác tập trung, di chuyển chuồng trại cách xa nhà, xây dựng khu vệ sinh khép kín.

Hiện trong làng có gần chục hộ cung cấp dịch vụ homestay, đáp ứng chỗ ăn nghỉ cho hàng trăm du khách mỗi ngày.

Nhà sàn của người Tày ở Quỳnh Sơn thường là ba gian hai chái với 9 bậc cầu thang dẫn lên tầng trên.

Trước kia, bà con ngủ trên tầng hai, tầng trệt thường tận dụng nuôi nhốt trâu bò, để nông cụ và làm kho chứa lúa. Từ khi làm du lịch cộng đồng, tầng dưới thường được ngăn làm phòng ngủ, hoặc cải tạo làm nơi đón khách du lịch.

Gian giữa (ảnh) là nơi thờ cúng tổ tiên, hai gian ngoài gia chủ dùng để tiếp khách, hai chái bên cạnh dùng làm phòng ngủ.

Gia đình ông Dương Công Chích là một trong 5 hộ đầu tiên chuyển đổi sang làm du lịch homestay để đón khách.

"Hầu hết các ngôi nhà trong thôn đều lợp ngói âm dương, vách nhà làm bằng gỗ hoặc bằng tre, nứa", ông Chích giới thiệu về nhà sàn. Theo ông, ngói âm dương hay còn gọi là ngói máng, là loại vật liệu lợp mái nhà sàn truyền thống của người Tày. Đặc tính của ngói là mát mẻ vào mùa hè và ấm vào mùa đông giá lạnh, được sản xuất ngay tại xã.

Một người địa phương làm ngói âm dương theo phương pháp truyền thống của xã. Hàng trăm năm qua, nhiều gia đình ở đây đã cung cấp ngói âm dương cho toàn tỉnh và vùng lân cận.

Để làm ra viên ngói, phải tuân theo quy trình 8 bước được người Tày gìn giữ qua nhiều đời, từ chọn đất, làm nhuyễn, ủ đất, lọc tạp chất, vào khuôn, làm khô, nung trong lò đến chọn thành phẩm.

Làng Quỳnh Sơn được bao quanh bởi những cánh đồng ven dòng sông Thương. Vào thu, nước sông đổi màu xanh, uốn lượn như dải lụa vắt qua từng thửa ruộng đang độ chín vàng.

Từ khi chuyển đổi du lịch, Quỳnh Sơn được biết đến trên bản đồ du lịch Lạng Sơn. Du khách từ khắp nơi tìm về làng người Tày hòa mình vào thiên nhiên.

Trong ảnh là du khách check in với trang phục truyền thống dân tộc Tày ở Quỳnh Sơn hôm 21/10.

Đến huyện Bắc Sơn mùa thu, du khách có dịp hòa mình vào lễ hội gặt lúa cùng đồng bào người Tày, Dao. Phần thi có ba đội tham gia, mỗi đội có 4 thành viên đến từ các xã Bắc Quỳnh, Hưng Vũ và Long Đống.

Các đội thi gặt lúa bằng liềm, đập lúa bằng loỏng và bó rơm tại ruộng, các thành viên thi đều mặc trang phục dân tộc mình.

Vây quanh các thửa ruộng là đông đảo người dân đến cổ vũ.

Ban tổ chức dựa vào các tiêu chí nhiều thóc, thóc sạch không lẫn rơm và bó rơm đẹp nhất để tính điểm, đội nào có số điểm cao nhất sẽ giành được chiến thắng.

Quỳnh Sơn còn có nhiều di tích lịch sử - văn hóa như đình Quỳnh Sơn - thờ Quý Minh Đại Vương hàng trăm năm tuổi; Cầu Rá Riềng - nơi ghi dấu ấn khởi nghĩa Bắc Sơn năm 1940. Tháng Giêng hằng năm, làng tổ chức lễ hội Lồng Tồng, hay hội xuống đồng, cầu mong mùa màng tốt tươi. Lễ hội có nhiều hoạt động như ném còn, đánh đu, hát ví, hát Then, múa Tán Đàn đậm nét văn hóa truyền thống vùng Đông Bắc.

Giang Ngọc

Mời độc giả gửi bài, câu hỏi tại đây hoặc về dulich@vnexpress.net