![]() |
Nhiều lao động có công ăn việc làm nhờ đũa gỗ của làng Sông Mỹ. Ảnh: VT |
Những ngày cuối năm Mậu Tý, làng nghề đũa gỗ Sông Mỹ hoạt động hết công suất. Tiếng máy xẻ, máy bào, máy làm bóng vang lên như có một xưởng cưa lớn đang hoạt động. Có chứng kiến mọi hoạt động rầm rộ trong khu dân cư, mới thấy được một làng nghề ăn nên làm ra.
Sông Mỹ nằm trên trục quốc lộ 27A, cách thành phố Đà Lạt 68 km, thành phố Phang Rang - Tháp Cháp 35 km và có tuyến đường mới quốc lộ 27B đi Cam Ranh - Nha Trang khoảng hơn một giờ xe máy. Khách du lịch thường xuyên dừng chân, nhưng làng nghề không có bảng hiệu, chẳng ai biết đã tồn tại từ bao giờ.
Chị Huỳnh Thị Bé (sinh năm 1972) thuộc thế hệ thứ 2 ở làng nghề đũa gỗ Sông Mỹ. Cơ sở của chị thuộc loại lớn nhất nhì trong làng, hằng ngày xuất xưởng không dưới 200.000 đôi thành phẩm, với vô số nhãn hiệu đũa gỗ cao cấp mác ta, Tàu, Nhật. Chị Bé giải thích, bất đắc dĩ làm như vậy theo yêu cầu của khách.
![]() |
Đũa gỗ của làng Sông Mỹ phải mang nhãn mác Tàu, ta đủ loại. Ảnh: VT. |
Nguyên liệu là vấn đề mà xưởng của chị Bé cũng như nhiều cơ sở khác gặp phải. Có giai đoạn chính quyền kêu gọi chuyển nguồn từ gỗ rừng sang làm gỗ vườn, nhưng chỉ vài tháng đã cạn kiệt. Làng nghề điêu đứng, người làm đũa sắm máy móc hàng chục triệu đồng đành đắp chiếu hoặc bán sắt vụn, đổi gạo ăn. Cuối cùng họ cũng phải vực dậy làng nghề bằng một số nguồn nguyên liệu khác.
Hơn 10 năm qua, cơ sở của chị Bé đã giúp cho nhiều xưởng sản xuất nhỏ trong làng tồn tại, giải quyết hàng trăm người lao động có thu nhập 25.000-70.000 đồng mỗi ngày tuỳ theo công đoạn sản xuất và lượng sản phẩm người làm. Công nghệ vận hành liên hoàn bằng máy móc tự chế như máy xẻ thẻ, máy bào, máy chà, máy sấy khô, máy đánh bóng đũa cho phép sản xuất hàng chục nghìn đôi một lúc.
Thử làm một phép tính, một máy cưa mỗi ngày cưa 5 thiên đũa (một thiên = 1.000 đôi), “nghiến” hết khoảng 0,3 m3 gỗ các loại, thì số lượng gỗ hằng tháng làng đũa Sông Mỹ phải “ngốn” không dưới 50 m3. UBND tỉnh Ninh Thuận chỉ đạo các lâm trường, trạm kiểm lâm cho dân mua lại số gỗ nằm trong diện được phép khai thác và số gỗ tận thu từ nhiều nguồn. Song người dân vẫn phải trông chờ vào nhiều nguồn gỗ trôi nổi trên thị trường.
![]() |
Sản phẩm đũa gỗ mỹ nghệ của làng Sông Mỹ. Ảnh: VT |
Ở Sông Mỹ, một số người vẫn giữ truyền thống làm đũa thủ công chạm khắc theo kiểu hàng hoá mỹ nghệ. Anh Long, chủ một cơ sở gỗ mỹ nghệ than phiền: “Hàng làm ra từ những bàn tay khéo léo của người lao động quê mình mà phải mang danh nghệ nhân nơi khác mới bán được”.
Võ Tấn