Ngày cuối tháng 2, xưởng làm tranh kiếng ở xã Long Điền B với hơn 20 lao động vang tiếng gõ kiếng, máy in lụa, búa đóng khung gỗ. Ở giữa xưởng, nghệ nhân Lê Thị Tâm dùng bút lông vẽ từng nét thanh mảnh thành đóa sen trên tấm kiếng.
Mỗi tấm tranh kiếng phải qua gần chục công đoạn. Sau khi nghệ nhân hoàn thành sản phẩm, tranh được vẽ viền phía ngoài, tô màu, sơn bóng, phủ kim tuyến hay cẩn ốc xà cừ... Hình vẽ trên tranh thường là hoa lá, cỏ cây, dòng sông, bến nước, cảnh thôn quê, cùng những câu chữ thể hiện sự ngưỡng vọng ông bà tổ tiên.
Là truyền nhân thứ hai của làng nghề, nghệ nhân Nguyễn Thanh Hòa, 58 tuổi, cho biết trước năm 1975 tranh kiếng rất đắt. Bởi nguyên vật liệu khan hiếm, người có tay nghề vẽ tranh kiếng rất ít, hàng làm ra không đủ bán. Vì vậy thời kỳ này người làm, bán và mua tranh đều là nhà giàu.
Trước đây tranh kiếng được viết bằng chữ Hán. Bộ tranh thờ gồm 4 tấm, được lộng vào khuôn gỗ thao lao. Trong đó tấm hoành phi có ba chữ thường bắt gặp nhất là Đức – Lưu - Phương, Vạn - Sự - Thành. Phần chính của bộ tranh gồm tấm giữa với bốn chữ Cửu - Huyền - Thất - Tổ, Phước - Lộc - Thọ hoặc chỉ một chữ Phúc. Đôi liễn hai bên với hai câu thơ được diễn giải là "Tổ tông công đức thiên niên thịnh - Tử hiếu tôn hiền vạn đại vinh".
Càng về sau, người làm muốn nội dung tranh gần gũi, ai cũng có thể đọc và hiểu nên chuyển sang chữ Việt. Ban đầu những tranh thuần chữ quốc ngữ ít được người dân chấp nhận vì quá mới mẻ. Các nghệ nhân phải viết song ngữ Hán - Việt để thị trường quen dần. "Hiện tranh chữ Việt chiếm ưu thế", ông Hoà nói.
Tranh kiếng xuất hiện ở Việt Nam từ thế kỷ 19, phát triển nhiều ở vùng Lái Thiêu (Bình Dương), chợ Lớn (TP HCM)... Cách đây hơn 100 năm, dòng tranh này được truyền thụ cho một số nghệ nhân ở miền Tây trong đó có chợ Mới.
Ngoài tranh thờ cúng, nghệ nhân ở chợ Mới còn sáng tạo thêm các dòng tranh đặt trước cửa buồng được Việt hoá từ những điển tích, truyện dân gian như Tấm Cám, Thoại Khanh - Châu Tuấn, Phạm Công - Cúc Hoa, Lưu Bình - Dương Lễ hoặc tuồng cải lương đặc sắc được nhiều người dân hâm mộ.
"Trước đây một bộ tranh kiếng bán tại xưởng giá một chỉ vàng. Thương lái chở đi khắp miền Tây để bán, có khi một bộ tranh giá nâng lên 2-3 chỉ vàng tuỳ khoảng cách xa gần", ông Hòa kể. Thời vàng son một nghệ nhân làm tranh có thể nuôi gia đình cả chục người chưa kể mua sắm của cải. Làng nghề vì thế mở rộng lên hàng trăm hộ. Những năm đầu thập niên 90 thế kỷ trước được đánh dấu là thời kỳ cực thịnh của làng nghề tranh kiếng, hàng làm ra không đủ cung cấp.
Sau đó tranh kiếng chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các dòng tranh hiện đại và các vật dụng trang trí khác. Làng nghề dần mai một, nay chỉ còn vài chục hộ. Tại xưởng của nghệ nhân Nguyễn Thanh Hòa trung bình mỗi ngày làm ra vài trăm tấm với đủ kích cỡ, tạo công việc cho hơn 20 người dân trong vùng. Thu nhập của xưởng không cao như những năm cực thịnh, song ông Hoà vẫn bám nghề.
"Cũng nhờ nghề mà chúng tôi có nhà cửa, ruộng vườn.Giờ làm tranh lãi không nhiều nhưng giúp con cháu trong vùng có việc làm, thu nhập trung bình mỗi thợ 5-6 triệu đồng một tháng, tôi vẫn cố duy trì, xem đó là niềm vui", ông nói.
Gần đây một số cơ sở nhanh nhạy nắm bắt xu hướng, sản xuất thêm các dòng tranh treo tường được làm từ máy móc hiện đại, in số lượng lớn, giá cả phù hợp đa số người dân. Theo Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Chợ Mới, hiện vùng còn khoảng 20 hộ theo nghề, tạo công việc cho hàng trăm hộ dân. Để khuyến khích làng nghề phát triển, địa phương hỗ trợ xưởng mua sắm máy móc để tăng năng suất và giúp giới thiệu, quảng bá sản phẩm.
Ngọc Tài