Những năm 1970, làng nghề đan mê bồ xã Mỹ Trà có hàng trăm hộ, đông nhất nằm ven dòng Rạch Chanh, Bà Mụ, Mương Khai. Các con kênh chỉ cách dòng sông Tiền vài km nên thuận lợi giao thương. Ông Trần Văn Dũng (65 tuổi) gia đình 4 thế hệ sống bằng nghề đan bồ, kể từ sáng đến tối muộn tiếng chẻ tre, đan bồ vang cả xóm. "Vui dữ lắm, buổi tối nhà nhà chong đèn dầu đan tới mười giờ đêm mới nghỉ", ông Dũng miên man trong ký ức thuở làng nghề cực thịnh.
Ông kể tiếp, con nít khi đó 8 tuổi đã được người lớn chỉ đan bồ, đôi ba năm sau sẽ được truyền thụ kỹ năng chẻ nan rồi gầy khung đan. Bởi thế nhà càng đông con lại càng nhiều tay mần. Trai tráng trong làng đi khắp xứ tìm mua tre gai rồi chạy chẹt - một loại xuồng máy - đốn hạ, cắt khúc mang về ngâm 3-5 ngày. Tre già có thể dùng từ đầu đến cuối, loại non chỉ dùng từ gốc tre lên tầm hai mét.
Bồ làm bằng nan tre đan lại với nhau, vật dụng dùng chứa lúa từ vài trăm đến nghìn giạ. Nông dân dựng đứng mê bồ hoặc nối nhiều tấm thành những bức tường, hình tròn, vuông, chữ nhật, xung quanh bồ có trụ chống đỡ, rồi đổ lúa vào trong. Loại bồ thủ công đáp ứng nhu cầu chứa lúa không sợ chuột ăn, ẩm mốc, thất thoát. Bồ cũng nằm sâu trong ký ức của người miền Tây gắn liền những vụ mùa trúng bể bồ hay những trò trốn tìm của trẻ con, thường nấp vào bồ lúa.
Nan tre dùng đan mê bồ được chẻ nghiêng vừa có phần da (cật) vừa có ruột, độ dày vừa phải vì nan quá cứng khó đan, nan quá mềm mê bồ bị thụng, yếu. Do đó công đoạn này chỉ những người có đôi tay khéo léo mới được đảm đương. Mỗi mê bồ thường rộng 1,2 m dài 7 m, đan bằng kỹ thuật đan nong mốt với công (nan đứng) là nan đôi, không chắp (nối) - yêu cầu bắt buộc để bồ được chắc chắn, nông dân xài nhiều năm. "Ai mần ăn dối trá, nan chấp vá, xài chưa gì đã bung, bị nông dân mắng vốn là cả làng chửi. Bồ làm ra không ai mua luôn. Sau không ai dám làm vậy nữa", ông Dũng chia sẻ.
Để lúa không lọt qua các khe, công đoạn cuối sau khi đan thành tấm là hồ một lớp phân trâu bên trong và ngoài. Thợ phải trét kỹ các khe và đều khắp bồ sau đó phơi khô chừng một nắng. Phân trâu sau khi phơi khô không có mùi, dẻo dai, bền chắc. Bồ thành phẩm thường được thợ trữ đến mùa lúa mới bán, chở bằng ghe tam bản, rao bán cho nông dân bằng hình thức đổi lúa. Những gia đình ít vốn có thể bán cho các chủ vựa với giá thấp hơn, lấy kinh phí nhập nguyên liệu.
Cũng có hàng chục năm trong nghề bà Nhạn vẫn nhớ một mê bồ đổi được 2 giạ lúa (đong bằng thùng, mỗi giạ 2 thùng chừng 40 kg). Ngoài loại bồ thường, một số nông dân đất nhiều đặt riêng loại bồ theo kích thước để trữ lúa ngàn có giá đắt hơn 2,5-3 giạ mỗi bồ. Bước sang tháng 10 âm lịch khi lúa mùa chuẩn bị cắt, bà cùng chồng chạy ghe len lỏi khắp các ngã sông, mang bồ đi đổi lúa. Gặp hôm bán đắt, ghé một bến sông bán được cả chục bồ, cho cả xóm.
Có lần vợ chồng trẻ lên tận các xóm mần lúa biên giới giáp Campuchia. Ghe chạy dưới sông nghe trên bờ tiếng la thất thanh - "Pol Pot tràn qua". Cả hai "hồn vía lên mây" quay xuồng chạy trối chết. Những chuyến đi sinh tử khiến bà không bao giờ quên, vẫn bám nghề vì ngày đó nghề đan bồ dẫu cực song thu nhập ổn định. "Bán một mùa, đổi được cả trăm giạ lúa để ăn dần. Phần dư ra đợi giá lên bán ra cũng đủ cho con cái ăn học", bà Nhạn kể.
Khi nông dân dần chuyển sang trồng lúa thần nông (ngắn ngày), trữ lúa bằng bao hoặc bán ngay cho thương lái, bồ chứa lúa dần quên lãng. Làng nghề truyền thống ở Mỹ Trà cũng thưa thớt dần. Vài chục hộ bám trụ chuyển sang đan bằng trúc, không cần hồ. Mê bồ dùng làm đồ mỹ nghệ để trang trí quán xá hoặc các khu du lịch. Kích thước cũng thay đổi dài nhất chỉ 3 m và phong phú về mẫu mã.
Chị Trần Ngọc Liên (32 tuổi, con ông Trần Văn Dũng) quay lại nghề cha ông sau khoảng thời gian làm công nhân ở TP HCM. Hơn chục năm mới đan lại song đôi tay chị vẫn nhanh nhẹn, khéo léo. Mỗi ngày truyền nhân đời thứ 4 của làng nghề đan được hơn chục tấm bồ, tiền công 80-100 nghìn đồng. "Đan bồ không kén tuổi tác cũng không sợ mưa gió. Ngày nào cũng có tiền công dù không nhiều nhưng cũng đủ sống qua ngày", chị Liên cho biết.
Làng nghề đan mê bồ tuổi đời trăm năm nằm trong kế hoạch phục hồi, phát triển kết hợp du lịch của TP Cao Lãnh. UBND tỉnh Đồng Tháp đã công nhận làng nghề truyền thống vào 20 năm trước. Hiện toàn làng nghề có khoảng 60 hộ theo nghề. Ông Võ Phan Thành Minh, Chủ tịch UBND TP Cao Lãnh, cho biết thông qua các hội chợ xúc tiến thành phố kết nối, giới thiệu sản phẩm làng nghề đan mê bồ cũng như sử dụng sản phẩm trang trí cho đường hoa.
Ngoài ra, Cao Lãnh kết nối TP Hội An (Quảng Nam) giới thiệu các dòng sản phẩm mới từ lồng đèn, đồ mỹ nghệ để những hộ trong làng nghề chuyển dần sang các sản phẩm có tính ứng dụng cao. "Sắp tới thành phố sẽ tổ chức các lớp dạy nghề đan các dòng sản phẩm mới này để người dân tham gia vừa giúp duy trì làng nghề vừa tạo thêm thu nhập cho người dân", ông Minh nói.
Ngọc Tài