Thất nghiệp và nợ nần chồng chất, khiến Nooruddin, 32 tuổi, không còn lựa chọn ngoài việc bán một quả thận.
"Tôi phải làm điều đó vì các con", Nooruddin nói và cho biết nhận được 1.500 USD. Hiện tại, cậu con trai 12 tuổi của anh là trụ cột gia đình với thu nhập 70 xu mỗi ngày từ việc đánh giày. Nooruddin không thể làm việc nặng sau ca phẫu thuật cắt một quả thận và liên tục bị những cơn đau dai dẳng hành hạ.
"Giờ tôi rất hối hận", người đàn ông 32 tuổi bộc bạch. Nhưng số người Afghanistan sẵn sàng bán nội tạng để cứu gia đình như anh không ít.
Việc mua bán nội tạng người là bất hợp pháp ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Ở Afghanistan, việc này không bị kiểm soát, miễn là người hiến tặng xác nhận đồng ý trên giấy tờ và quay video làm bằng chứng, cho các bác sĩ.
"Chúng tôi chưa bao giờ điều tra xem bệnh nhân hoặc người hiến tặng đến từ đâu, dùng tạng để làm gì. Đó không phải công việc của chúng tôi", Mohamad Bassir Osmani, bác sĩ phẫu thuật ở Herat, nói.
Chưa có con số chính xác về số lượng thận được bán ở Afghanistan, nhưng bác sĩ Osmani tiết lộ có hàng trăm ca phẫu thuật được thực hiện ở Herat trong 5 năm qua khi kinh tế xuống dốc.
Hai trong ba đứa con của Azyta ở làng Shenshayba Bazaar gần đây phải điều trị suy dinh dưỡng vì không còn tiền mua đồ ăn. "Các con tôi phải đi ăn xin. Nếu không bán thận, tôi sẽ buộc phải bán đứa con gái một tuổi", cô nói và cho biết đã được một vị khách ở tỉnh Nimroz, miền nam Afghanistan mua thận với giá 2.900 USD. "Tôi mong số tiền này đủ để trả nợ, mua đồ ăn khi chồng đang thất nghiệp", Azyta nói.
Nhưng giờ đây, chồng cô cũng lên kế hoạch làm điều tương tự, khi không còn tiền. "Mọi người ngày càng nghèo hơn. Nhiều người phải bán thật vì tuyệt vọng", chồng của Azyta nói.
Ở các quốc gia phát triển, người cho và nhận nội tạng được theo dõi sức khỏe thường xuyên và hưởng chế độ đặc biệt. Nhưng sự xa xỉ này không dành cho những người Afghanistan nghèo khổ.
Giáo sư Mohammad Wakil Matin, cựu bác sĩ phẫu thuật hàng đầu tại một bệnh viện ở thành phố Mazar-i, cho biết chỉ một số ít người hiến tạng được hưởng chế độ chăm sóc sức khỏe. "Nhưng không có cơ sở y tế công nào đăng ký cho người hiến thận đi khám định kỳ để kiểm tra sức khỏe. Điều này khiến họ bị kẹt trong sự nghèo đói và sức khỏe giảm sút", ông nói.
Hơn 24 triệu người Afghanistan, chiếm 59% dân số, đang đứng trước nguy cơ đói ăn và nửa triệu người mất việc làm sau khi Taliban tiếp quản đất nước. Vài năm trước, ngôi làng Hokse ở Nepal cũng được biết đến, khi đa phần người dân đều đã bán một quả thận để kiếm sống.
Minh Phương (Theo France24, OddityCentral)