Luật sư tư vấn
Theo khoản 2 điều 20 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, mức phạt tiền 2-3 triệu đồng áp dụng với một trong các hành vi sau:
- Cản trở hoặc không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ.
- Có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người thi hành công vụ.
- Xúi giục, lôi kéo hoặc kích động người khác không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ.
Theo khoản 3 điều 20 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, nhà chức trách sẽ phạt tiền từ 3 triệu đến 5 triệu đồng với một trong các hành vi sau:
- Dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực để chống người thi hành công vụ.
- Gây thiệt hại về tài sản, phương tiện của cơ quan nhà nước, của người thi hành công vụ.
Theo khoản 4 điều 23 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, mức tiền phạt cụ thể với hành vi vi phạm hành chính nêu trên là mức trung bình của khung tiền phạt. Nếu có tình tiết giảm nhẹ, mức tiền phạt có thể giảm xuống nhưng không được giảm quá mức tối thiểu của khung tiền phạt. Nếu có tình tiết tăng nặng, mức tiền phạt có thể tăng lên nhưng không được vượt quá mức tối đa của khung tiền phạt.
Theo khoản 1.9 Công văn 45/TANDTC-PC ngày 30/3/2020 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, người có hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ trong phòng, chống Covid-19 thì bị xử lý về tội Chống người thi hành công vụ, theo quy định tại điều 330 Bộ luật Hình sự.
Đối với tội danh này, khung hình phạt thấp nhất là bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Căn cứ các quy định nêu trên và dựa vào tình hình vi phạm thực tế (mức độ, tính chất vi phạm), cơ quan có thẩm quyền sẽ xử lý vi phạm với các chế tài tương ứng như trên.
Luật sư Phạm Thanh Hữu
Đoàn luật sư TP HCM