Làng lụa Duy Xuyên được tái hiện tại số 28 đường Nguyễn Tất Thành, thành phố Hội An (Quảng Nam) nhằm quảng bá đến du khách hình ảnh của thu nhỏ của một thương cảng lớn hơn 300 năm trước, nơi đã góp công lớn tạo con đường tơ lụa của Việt Nam trên biển. |
Nghề dệt lụa vốn nức danh là thế nhưng cũng trải qua bao thăng trầm. Có những giai đoạn làng lụa rơi vào quên lãng bởi không tìm được nguyên liệu, không bán được sản phẩm, thu nhập của nghệ nhân quá èo uột... Nhưng hiện nay, khi kết hợp với du lịch, những nghệ nhân tâm huyết với nghề hi vọng sẽ duy trì được làng lụa trứ danh. |
Nguyên liệu dệt lụa rất đặc biệt, với cây dâu Đa của người Chăm Pa cổ tìm từ vùng núi cao của Quảng Nam về trồng trong vườn của làng để làm thức ăn cho tằm vàng nhả kén. |
Đây là nguồn nguyên liệu hiện chỉ có ở làng lụa này, không trùng lặp với nguyên liệu được nhập về từ Trung Quốc. |
Khi quay tơ từ kén vàng (tằm thuần chủng), nước trong nồi được pha 80 độ C để tằm nhả kén đều, mịn. |
Hiện, làng lụa có khoảng 10 nghệ nhân vừa dệt vải, vừa giới thiệu với du khách về cách làm lụa và đặc biệt là nét riêng, độc đáo về nguyên liệu chỉ có ở Hội An. |
Cách dệt lụa Chăm Pa với những khung dệt cổ được sưu tầm từ nhiều địa phương cũng được tái hiện để tạo ra những tấm lụa nuột nà, thể hiện sự giao thoa văn hóa Chăm pa - Việt trong lòng xứ Quảng. |
Sau vài tháng đưa vào thử nghiệm, làng lụa thường xuyên đón những du khách nước ngoài đến tham quan. Nhiều người thích thú khi được cùng trải nghiệm quay tơ, chăm tằm... cùng nghệ nhân. |
Không đơn thuần là sản xuất lụa, các nghệ nhân cũng làm ra những sản phẩm thêu, dệt khăn... để bán cho khách, giúp khách lưu lại những kỷ niệm khi ghé làng lụa. |
Khu nhà truyền thống trưng bày 100 bộ trang phục của 54 dân tộc Việt Nam. Nơi đây đang được mở rộng, tạo khu lưu trú cho du khách nghỉ qua đêm để được tận mắt xem tằm ăn lá dâu, làm kén, nhả tơ... |
Nguyễn Đông