Thứ năm, 21/11/2024
Thứ năm, 10/10/2024, 12:40 (GMT+7)

Làng làm nón ngựa 300 năm ở Bình Định

Nghệ nhân ở xã Cát Tường, huyện Phù Cát làm hoàn toàn thủ công các khâu: chuốt, kè, kết lá, thêu thuyền... nên sản phẩm có giá bán đến nửa triệu một chiếc.

Nón ngựa Phú Gia từ lâu là một trong những sản phẩm thủ công truyền thống nổi tiếng của tỉnh Bình Định. Theo các nghệ nhân, nghề bắt đầu xuất hiện từ thế kỷ 18. Ngày xưa, nón ngựa chỉ dành cho vua quan đội. Đặc biệt nón ngựa gắn với nhà Tây Sơn, thể hiện sự mạnh mẽ, uy nghiêm của bá quan trong triều.

Nguyên liệu để làm nón là cây giang (một loại tre từ Phú Yên), rễ dứa và lá kè (một giống cọ). Muốn có các nguyên liệu này người dân phải vào rừng sâu thu hoạch rồi bán ở chợ phiên.

Sau khi mua về, các nghệ nhân phơi khô để chuẩn bị làm nón.

"Bước tiếp theo là chuốt thẳng lá kè. Để lá thẳng đều, tôi dùng một bọc vải chứa cát bên trong, xòe lá trên miếng gang thép nóng nổi rồi vuốt nhẹ để lá thẳng đều", nghệ nhân Đỗ Văn Lan (75 tuổi), đời thứ 5 trong gia đình có truyền thống làm nón ngựa, nói.

Để làm ra chiếc nón ngựa, nghệ nhân phải thực hiện 10 công đoạn, từ tạo sườn cho đến thêu thuyền, kết lá… Bà Hà Thị Thu đang chằm lá vào sườn nón nói rằng nếu làm đúng kỹ thuật nón có thể để được hơn 100 năm.

Phụ nữ làng Phú Gia làm nón ngựa dưới những tán tre.

Hiện làng còn khoảng 300 gia đình làm nghề, nhưng chỉ có vài hộ làm hết các công đoạn để hoàn thiện nón, các gia đình còn lại chỉ nhận gia công.

Để chiếc nón bền chặt người nghệ nhân phải chăm chút trong từng đường kim mũi chỉ. "Ngày xưa nón chỉ bán cho quan lại, các vị có chức sắc nên ông bà rất tự hào, chúng tôi từ nhỏ đã học làm nón, với nữ giới khó nhất là khâu thêu nón", bà Nguyễn Thị Tâm, một nghệ nhân trong làng cho hay.

Những mẫu hoa văn "long, lân, quy, phụng" được thêu trên nón biểu thị quyền uy của người đội thời xưa. Nhìn vào hoa văn có thể biết phẩm hàm của vị quan đang đội.

Đỉnh nón được gắn chụp bạc hoặc đồi mồi có chạm trổ long, ly, quy, phụng.

"Nghề chằm nón ngựa Phú Gia" vừa đón nhận bằng công nhận Di sản phi vật thể quốc gia hồi tháng 9 vừa qua.

Nón ngựa Phú Gia hiện là một trong số quà tặng cho du khách đến Bình Định, với giá bán 100.000 - 500.000 đồng một chiếc.

Ông Lâm Hải Giang, Phó chủ tịch tỉnh Bình Định cho rằng, nón ngựa Phú Gia là một kiệt tác của nón lá. "Nghề chằm nón ngựa Phú Gia được ghi danh di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đã khẳng định giá trị bền vững và sức sống của làng nghề, tôn vinh và biểu dương cộng đồng dân cư, nhất là các nghệ nhân trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị di sản", ông Giang nói.

Dũng Nhân - Quy Nhơn