Nằm bên dòng sông Ô Lâu, làng cổ Phước Tích xưa kia nổi tiếng cả nước với nghề làm gốm, đặc biệt là làm nồi đất (om đất) cho nhà vua. Bởi vậy dân gian lưu truyền câu hát "Om Phước Tích ngon cơm hoàng đế/ Sen Hà Trì quý thể Phú Xuân".
Được xem là pho sử sống của làng, ông Lê Trọng Diễn, 72 tuổi, cho biết Phước Tích xưa kia tên là Hoàng Giang, hình thành từ hơn 500 năm trước. Sau khi vua Gia Long lên ngôi năm 1802, làng được đổi tên là Phước Tích và nổi tiếng với nghề làm gốm. Dưới triều Nguyễn, hàng năm làng Phước Tích đều mang sản phẩm gốm tiến cung.
Ngày đó, om đất được người dân làng Phước Tích chọn tiến cung để nấu cơm cho vua dùng. Gạo nấu với om làng Phước Tích thường là gạo de đỏ trồng ở làng An Cựu. "Những chiếc om sau khi vua ngự thiện sẽ được đập bể để lấy một ít cơm cháy dưới đáy cho vua dùng, vì theo đông y cơm cháy là vị thuốc bắc có lợi cho sức khỏe", ông Diễn nói.
Mỗi năm, làng Phước Tích phải cung tiến ít nhất 400 chiếc om. Triều đình quy định dân làng không được giữ lại om ngự có kiểu dáng cung tiến cho vua mà phải làm những chiếc om khác, nếu phát hiện sẽ bị xử phạt.
Om đất tiến cung hình dáng giống bình hồ lô, có nắp đậy, khi nấu nước sẽ không tràn ra ngoài. Thành om cũng không thấm nước ra ngoài, tiếng kêu thanh hơn. Để làm nên những chiếc om như thế, dân làng xưa kia phải ra làng Diên Khánh, xã Hải Dương (huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị), cách làng 12 km, để lấy đất bùn.
Om nặn xong sẽ được đưa vào lò nung 1.000 độ C. Đất làm lò nung được lấy từ làng Câu Nhi ở xã Hải Tân (huyện Hải Lăng).
Trong không gian ngôi nhà rường xưa của tổ tiên để lại, nhiều sản phẩm gốm qua các thời kỳ được ông Diễn nâng niu trưng bày xem như là đồ vật quý giá. Ông quý nhất chiếc om ngự do chính tay ông nội làm thời vua Khải Định và "là độc nhất vô nhị còn sót lại ở làng Phước Tích".
Người làng Phước Tích không làm ruộng mà chủ yếu làm gốm. Nhờ gốm, dân giàu có, dựng được nhà rường bằng gỗ chẳng khác gì nhà quan lại. Ngôi làng như một ốc đảo giữa dòng sông Ô Lâu đến nay vẫn giữ được nét xưa với những hàng trầu quanh lối xóm, những căn nhà rường và vườn đầy cây xanh.
Với nét kiến trúc cổ kính và những căn nhà rường hàng trăm tuổi, làng cổ Phước Tích là một trong hai ngôi làng của Việt Nam được công nhận là di tích quốc gia cùng với làng cổ Đường Lâm (Hà Nội).
Nói về om đất và sự thịnh vượng của làng gốm Phước Tích xưa, ông Diễn lại tiếc cho nghề truyền thống của dân làng. "Gốm Phước Tích nức tiếng một thời nay chỉ là dĩ vãng, bởi người dân không còn theo nghề nữa. Con cháu trong làng cũng tha hương làm ăn, chỉ còn lại người già", ông Diễn nói.
Võ Thạnh