Thứ năm, 12/12/2024
Thứ tư, 17/8/2022, 13:30 (GMT+7)

Làng làm đồ chơi Trung thu vào vụ

Hưng YênGần một tháng trước Tết Trung thu, người dân làng Ông Hảo, xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ hối hả làm trống, mặt nạ giấy bồi... để kịp tiêu thụ.

Trên khoảng sân nhỏ lỉnh kỉnh các loại mặt nạ, vợ chồng ông Vũ Duy Đông (69 tuổi) và bà Vũ Thị Hạnh (64 tuổi) tất bật hoàn thiện đơn hàng mặt nạ để giao cho khách.

Đây là một trong gần 10 hộ dân ở làng còn làm đồ chơi Trung thu ở làng Ông Hảo, xã Liêu Xá. Một thời, hầu hết hộ dân trong làng đều làm đồ chơi truyền thống bằng những nguyên liệu tự nhiên như tre, nứa, giấy, bìa carton... Hiện nay do sự cạnh tranh của mặt hàng điện tử, đồ chơi Trung Quốc, người dân dần bỏ nghề để mưu sinh công việc khác có thu nhập tốt hơn.

Ông Đông cho biết đã gắn bó 40 năm với nghề. "Tôi theo nghề từ cha ông truyền lại, giờ thì còn mỗi tôi và vợ tôi cùng thằng con trai tôi theo nghề", ông Đông nói, vừa chăm chú vẽ những họa tiết trên chiếc mặt nạ giấy.

"Mặt nạ tôi có thể đi thuê bồi được nhưng đến khâu vẽ thì vẫn phải tự làm vì phải đúng ý mình, tạo nên hồn của nhân vật mình làm ra mới ưng ý", ông Đông chia sẻ.

Theo ông Đông, mặt nạ giấy bồi trải qua rất nhiều công đoạn: đầu tiên phải xé giấy báo thật nhỏ, sau đó đắp giấy vào khuôn xi măng, và phủ lớp keo kết dính tạo độ cứng bằng bột củ sắn.

"Bây giờ bảo để làm để giàu với cái nghề này là không thể, gắn bó với nó lâu quá rồi, yêu nghề nên mới duy trì để không bị mai một", nghệ nhân nói.

Bà Hạnh, vợ ông Đông quết lớp sơn bóng, cũng là khâu cuối cùng để hoàn thành mặt nạ giấy bồi. Mặt nạ có nhiều hình dạng khác nhau, mô phỏng nhiều nhân vật như Ông Địa, Thị Nở, Chí Phèo, Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới... với giá từ 35.000 đến 50.000 đồng mỗi chiếc. Đa số mặt hàng đều được chuyển đi chợ đầu mối ở các tỉnh phía Bắc như Hải Phòng, Quảng Ninh và Hà Nội.

Ngoài mặt nạ, làng Hảo còn nổi tiếng với sản phẩm trống thủ công. Ở những ngõ nhỏ trong làng, những tang trống được phơi dưới nắng để bền chắc hơn.

Bà Vũ Thị Là, thợ làm trống ở làng cho biết trong các công đoạn, bưng trống (đóng mặt trống) là công đoạn đòi hỏi sự khéo léo, để mặt trống không quá căng và trùng, tiếng trống sẽ vang hơn. Với thợ lành nghề, sẽ mất khoảng 5 phút để bưng xong một chiếc trống.

"Tôi muốn giữ nghề và truyền lại cho các con, các cháu. Thu nhập nghề này không cao, anh em họ hàng nhà tôi đều chuyển nghề khác có thu nhập tốt hơn, còn mỗi nhà tôi là cố giữ nghề", người phụ nữ gắn bó gần 40 năm với nghề chia sẻ.

Tại cơ sở sản xuất, ông Vũ Duy Ninh cặm cụi quét sơn cho từng chiếc trống để kịp chuyển đi bán ở các chợ đầu mối ở Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng ... Ông Ninh cho biết dịp này đã bán được khoảng 50.000 chiếc với giá từ 15.000 - 40.000 đồng tuỳ kích cỡ.

Giang Huy