Trung tâm kính mắt của ông chủ Tuấn có mặt tiền ở ngay con lộ chính dẫn vào làng, bề thế và hoành tráng không kém những shop kính lớn ở thủ đô. Cũng tủ kính bóng lộn, gương treo lóa mắt. Gian phòng bán kính chứa hàng ngập đầu với đầy đủ những thương hiệu kính từ lạ hoắc: Hua Fang, Huida, Gokon, Shengmyia... cho đến những dòng kính danh tiếng trên thế giới: Gucci, Solec, Okey, Ray-Ban...
Một anh người làng cho biết, kính ở đây toàn là hàng.... Trung Quốc chính hiệu, giá bán buôn rẻ bất ngờ, hơn chục nghìn một đôi kính thường, 80.000-90.000 đồng được một “con” kính y như hàng "hiệu" hơn triệu đồng bày trong những shop kính lớn. Loại kính “chất lượng cao” này làm tinh xảo tới mức nhìn hình thức, kiểu dáng và chất liệu của chúng không phải người trong nghề thì đành bó tay.
|
Shop kính Quang Trường bề thế, hai mặt tiền do người làng Lịch Động mở tại thành phố Thái Bình. |
Để có những sản phẩm bắt mắt mà người tiêu dùng không phân biệt nổi này, Tuấn phải nhập linh kiện kính đồng bộ từ gọng, mắt đến từng con ốc, từng mác kính... đặt hàng tận bên Trung Quốc. Giá nhập linh kiện rất rẻ, đối với hàng thường 1.500-2.000 đồng/cặp mắt kính; 4.000-5.000/gọng kính. Dòng linh kiện để lắp kính cao cấp đắt hơn nhiều lần, khoảng 25.000-30.000 đồng/cặp mắt kính và 30.000-40.000 đồng/gọng kính.
Những thợ kính làng chỉ còn việc ráp chúng lại với nhau thành một sản phẩm hoàn chỉnh. Được cái thợ kính Lịch Động có tay nghề rất khéo, chỉ trong ba phút một thợ kính có thể ráp xong một “con” kính dù cắt, giũa, mài, bắt vít, nắn... đều bằng những công cụ rất thô sơ như kìm, giũa, tuavit... cùng với cái mô-tơ gắn đá mài. Tay nghề của thợ kính làng giỏi tới mức chỉ cần nhìn qua gương mặt là có thể lên một chiếc kính như ý khách hàng về độ nặng nhẹ, kiểu dáng và màu sắc.
Gần đây thợ kính Lịch Động còn được trang bị thêm “thủ pháp” bắn chữ chìm trên mắt kính thủy tinh mà không thể xóa được. Chính ông chủ Tuấn đã giới thiệu những kính hàng giả hiệu được bắn những dòng chữ Gucci, Solec... nhỏ li ti, sắc nét và tinh xảo không kém gì hàng “xịn”.
Sâu trong làng, hàng chục cơ sở lắp ráp, sản xuất kính, trung bình mỗi cơ sở có 5-6 thợ. Chúng được gọi là những tổ, xưởng kính thuộc quyền quản lý của những ông chủ hiệu, những tay buôn kính người làng. Có tổ, mùa cao điểm số nhân công lên tới hàng chục. Các thợ kính ở đây tổ chức làm việc theo dây chuyền: người phụ trách cắt, gọt mắt kính, người mài giũa, người lắp ráp, uốn gọng; người đóng hàng, gắn mác...
Lịch Động trở thành một lò sản xuất, lắp ráp kính khổng lồ, có thể cung ứng hàng cho hàng trăm shop kính tại các đô thị lớn, cũng như hàng ngàn những chiếu kính vỉa hè bày bán khắp nơi.
Nghề kính ở Lịch Động xuất hiện độ 60-70 năm nay. Từ lúc ông “tổ nghề” chỉ là anh chữa kính lang thang, không lúc nào rời hộp đồ nghề đựng mấy thứ lặt vặt: miếng đá mài, cái kìm, vài mảnh thủy tinh... cộng thêm chút nhựa hàn gọng kính. Khi xưa kính là thứ xa xỉ, phải thuộc loại “tai to mặt lớn”, túi lúc nào cũng rủng rỉnh mới có tiền chơi. Nghề sửa kính vì vậy cũng kiếm được chút đỉnh.
Cứ thế người nọ dắt díu người kia, thành ra Lịch Động có nghề kính mắt lúc nào chẳng ai hay. Đến thời mở cửa, thị trường bung ra hàng loạt loại kính mới, đặc biệt là hàng Trung Quốc đẹp mà giá thì rẻ như bèo, nghề sửa kính ở đây thành chết trôi. Những tay thợ Lịch Động thức thời quay sang nhập linh kiện kính từ Trung Quốc về lắp ráp, bán.
Ban đầu họ chỉ nhập những loại kính mẫu mã đẹp, phù hợp thị hiếu người tiêu dùng. Sau này nhiều tay kính Lịch Động đã biết mang mẫu kính, lặn lội sang tận Trung Quốc đặt hàng sản xuất hàng loạt, hòng chiếm thế độc quyền. Họ nhanh nhạy đến mức chỉ cần một “mốt” kính hấp dẫn nào mới xuất hiện trên màn ảnh, thì hai tuần sau người ta đã thấy nó được những anh thợ làng lắp ráp hàng loạt.
Người Lịch Động đặc biệt rất ít truyền nghề ra ngoài, cái miếng cơm manh áo họ để dành cho con em trong làng và chỉ truyền cho người làng. Thế là kẻ trước đỡ người sau, ai cũng có nghề. Người có vốn cộng chút máu liều lĩnh thì làm ăn lớn, kẻ vốn nhỏ thì đi bán kính dạo thu nhập cũng gấp hàng chục lần làm ruộng. Đến nay thì Lịch Động đã hình thành một đội quân bán kính dạo in dấu chân khắp miền đất nước.
Chính ông Phạm Quốc Tuẩn, Chủ tịch UBND xã Đông Các, còn khẳng định chắc chắn: “Ở đâu bán kính mắt, ở đó có dấu chân, có bàn tay của người Lịch Động”. Ông Tuẩn cũng cho biết, hiện tại Lịch Động có khoảng 4.000 nhân khẩu thì hơn nửa đi làm ăn xa, phần lớn liên quan đến nghề kính.
Ngoài đội quân bán dạo, người Lịch Động còn mở shop kính, hiệu kính ở nhiều nơi. Quanh thành phố Thái Bình thì có kính Thế Hiển, kính Quang Trường... Xa hơn như các tỉnh lẻ thì đếm không xuể. Song hoành tráng nhất phải kể đến những shop kính người Lịch Động mở ở hai thành phố lớn Hà Nội và TP HCM.
Nhờ kính mà cả làng đổi đời, gần đây ở Lịch Động đã nổi lên những đại gia kính sừng sỏ với số vốn tính bằng tiền tỷ. Mùa lễ tết về làng đếm không dưới 20 con xe bốn chỗ đậu kín mít trong sân ngoài ngõ, toàn những “mẹc” với “bê mờ vê” (BMW) riêng của những đại gia làng kính. Cũng nhờ kính, tiếng tăm của họ đã vượt khỏi lũy tre làng.
(Theo Tuổi Trẻ)