Là thị trấn thuộc huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương, cách TP HCM khoảng 17 km, từ giữa thế kỷ 19, dân làng Lái Thiêu sống bằng nghề gốm truyền thống. Sản phẩm gắn liền với cuộc sống người dân như: lu ché, chum, lọ, chén, bát, bình trà... Những vật dụng này làm ra được vận chuyển lên Sài Gòn và khu vực Chợ Lớn để tiêu thụ. Khoảng 10 năm trở lại đây, quá trình đô thị hóa đã đẩy người làng gốm phải đi làm thuê trong các nhà máy gốm sứ mọc lên ở đây hoặc chuyển sang buôn bán. Một vài gia đình nghệ nhân còn lưu giữ nghề tổ như kế sinh nhai với sản phẩm chủ yếu chính là heo đất.
Dưới đây là những hình ảnh về gia đình làm nghề gốm thủ công còn lại ở Lái Thiêu.
![]() |
Nghệ nhân Lưu Bao ở xã Thuận Giao, Lái Thiêu đang luyện đất trong một cái cối lớn. Ông Bao cho biết, để sản phẩm gốm đẹp đất phải được xay nhuyễn cho đến khi không còn gợn. Đất làm gốm phải mua từ Long An và thuê xe đưa về làm nguyên liệu. |
![]() |
Đất xay nhuyễn được đổ vào khuôn và đem phơi nắng cho đến khi đông lại thành phẩm, rồi bóc ra gác lên sàn cho đến khi thật khô mới được đem nung. Để sản phẩm gốm đạt yêu cầu, người nghệ nhân phải làm việc cả những lúc trời nắng to. |
![]() |
Trước đây, gia đình ông Lưu Bao làm nhiều loại gốm như chén, bát, đĩa, bình hoa... nhưng những năm gần đây, chỉ làm duy nhất sản phẩm heo đất. "Giờ đã có tuổi không thể đi làm công nhân được nên cố duy trì nghề này", ông Lưu Bao chia sẻ. Bàn tay người nghệ nhân khéo léo tháo heo đất ra từ những cái khuôn và miết lại cho kín phần chân bị hở. |
|
Nghệ nhân ngồi gọt những phần thừa của con heo đất sau khi được bóc ra khỏi khuôn. Mỗi con heo đất nung chín chỉ có giá 700 - 800 đồng. Sau khi sơn vẻ lại thì bán được từ vài nghìn đến vài chục nghìn, tùy vào từng kích cỡ và nước sơn khác nhau. |
![]() |
Ngoài sản phẩm heo đất, gia đình ông Ba ở xã Thuận Giao còn làm thêm một số vật dụng thông dụng khác như các loại bình hoa để có thêm thu nhập. Không có màu sắc sặc sỡ như những loại gốm sứ và gốm men khác, gốm Lái Thiêu mang đậm nét bình dị với những gam màu tối. |
![]() |
Trước đây, ở Lái Thiêu những lò gốm lớn san sát nhau ngày đêm, nghi ngút khói, nhưng giờ đều bị phá hoặc bỏ hoang. Khu lò nung rộng hơn 30 m2 của gia đình nghệ nhân Lưu Bao, từng nung rất nhiều loại sản phẩm sau nhiều năm không sử dụng bị cây dây leo che lấp. |
![]() |
Chiếc lò mới xây lại của gia đình ông Bao chỉ nhỏ khoảng 10 m2 dùng để nung heo đất, nửa tháng mới có một mẻ được ra lò. Đây là một trong những cái lò ít ỏi còn lại ở làng gốm Lái Thiêu. |
|
Cô bé Mi ngồi chơi bên những chú heo đất. Ông Lưu Bao cho biết, con cháu trong nhà lớn lên đều đi học để trở thành những cán bộ, nhân viên nhà nước. Người nghệ nhân cũng bày tỏ "không biết trong tương lai liệu có ai nối nghiệp công việc này của ông bà để lại". |
![]() |
Những vật dụng trong một gia đình vốn có truyền thống làm gốm lâu đời cũng dần được thay thế bằng những vật dụng bằng nhôm và đồ nhựa. Sự phát triển mạnh mẽ của các sản phẩm gốm sứ, gốm tráng men Trung Quốc với nước men trắng, mẫu mã đẹp hơn khiến gốm Lái Thiêu ngày càng khó tiêu thụ. |
![]() |
Xã Phú Long nổi tiếng với nghề truyền thống làm heo đất. Hiện nay, nhiều gia đình ở đây đều bỏ nghề chuyển sang buôn bán. Quá trình đô thị hóa làm ngôi làng trước kia là những lò gốm san sát nhau, giờ đã trở thành khu phố nhộn nhịp, nhà cao tầng mọc lên hai bên. Những dấu tích về một làng gốm dường như đã bị xóa dần. Một số gia đình còn lấy heo đất từ những vùng khác như Biên Hòa Đồng Nai về sơn sửa lại rồi bán |
Hải Duyên