Trưa cuối tháng 5, ông Nguyễn Văn Ích (xã Long Hậu, huyện Lai Vung) tay cưa, tay đục. Đã ở tuổi ngũ tuần nhưng ông rất khoẻ khoắn. Vừa hoàn thành chiếc xuồng, ông một tay xách xuồng băng qua con lộ bàn giao cho hai người trét dầu chai. Trung bình một thợ giỏi như ông mỗi ngày sẽ hoàn thành một chiếc, tiền công khoảng 200.000 đồng.
Gia đình ông có cả thảy 12 anh em thì đều được cha, chú truyền nghề đóng xuồng. Thuở bé, ông cũng như những cậu nhóc cùng trang lứa, mới trạc 10 tuổi đã có thể làm những công việc lặt vặt trong xưởng như trét dầu chai, thu gom ván vụn. Để rồi khi người lớn buông cưa, đục, búa đi ăn cơm, lũ nhỏ liền thử đóng đóng, cưa cưa... Đến 15 tuổi, ông đã có thể tự đóng hoàn chỉnh một chiếc xuồng.
Cơ sở đóng xuồng Chín Hải nơi ông Ích làm là một trong những cơ sở hiếm hoi còn hạ thủy xuồng, ghe đều đặn mỗi tháng của làng nghề đóng xuồng Rạch Bà Đài. Con rạch giờ đây không còn nhộn nhịp trên bến đóng xuồng, dưới sông thuyền buôn chở xuồng, ghe tấp nập. Thay vào đó, các tuyến đường được đổ nhựa, lát đan tăm tắp đến tận xóm, ấp. Từ ngõ vào, những chiếc ghe bầu bán ế nên "mắc cạn" dưới rạch, chúng chưa một lần được xuống nước "quẫy vùng".
Một số hộ vẫn còn lưu giữ những chiếc xuồng, ghe dưới bến như một thói quen từ nhiều thập kỷ trước, nhưng chúng ít khi dùng đến. Thời hoàng kim của làng nghề, cả con rạch dài 2,5 km có hơn 200 hộ đóng ngày, đóng đêm không đủ giao cho khắp vùng sông nước. Giờ đây số hộ còn giữ nghề chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Nhắc đến ông tổ nghề đóng xuồng, người dân nơi đây nhớ ngay đến ông Phạm Văn Thuông, còn gọi là ông "Sáu Xuồng Cui". Ngót nghét trăm năm, bao thế hệ gia đình ông Sáu đã gắn bó với nghề đóng xuồng ở vùng này. Từ chiếc xuồng cui, theo nhu cầu của từng vùng miền mà sản sinh ra nhiều loại như: ghe bầu Cái Răng, xuồng Cần Thơ, ghe Cà Vom An Giang, xuồng ba lá Long An, xuồng ba lá Tháp Mười, ghe Tam Bản Bến Tre...
Dù chủng loại nào, các nghệ nhân đóng xuồng cũng tuân theo lời tổ huấn, "phải vô be xong mới dằn cong". Khi chọn số lá (tấm ván hợp thành thân xuồng) cần chú ý đến độ cong, ứng với câu Sanh - Tài - Tử - Mạt. Chọn làm sao ứng vào hai chữ Sanh hoặc Tài, để giúp chủ ghe, xuồng luôn được may mắn...
Hỏi vì sao nhiều người bỏ nghề nhưng riêng ông vẫn giữ, ông Ích cười hiền nói: "Nghề đóng xuồng đã ăn vào tim gan của tui rồi. Hôm nào không đóng xuồng tui ngứa tay, khó chịu lắm". Các con ông cũng được ông truyền nghề thợ mộc nhưng đưa đẩy họ chuyển sang nghề thợ xây.
Đi đến cuối con rạch Bà Đài, căn nhà của ông Bảy Tốt, 57 tuổi, đơn sơ mái tôn, vách ván. Ông dành hết mé chái nhà để làm chỗ đóng xuồng mini. Trên chiếc giường tre nhỏ ông để những sản phẩm đã hoàn thành. Đó đều là những "đứa con tinh thần" ông dành trọn tâm huyết, tỉ mẩn từng chút một mà thành hình.
Ông Bảy cũng từng có thời gian ngơi tay búa, tay đục. Nhưng tình cờ, đứa con ông cần một chiếc xuồng nhỏ để hoàn thành tiết học ở trường. Ông cọc cạch, đóng cho con, bất ngờ là được nhiều người ngợi khen, đem đi thi liền ẵm giải nhất. Ông chợt nảy ra ý định làm sản phẩm mỹ nghệ từ chính nghề gia truyền.
Những chiếc xuồng "bé tẹo tèo teo" tạo sức hút mạnh ở các khu du lịch. Chúng còn dùng để trưng bày hàng nông sản vừa bắt mắt vừa chân quê tại các hội nghị, hội chợ xúc tiến thương mại. Chưa dừng lại, xuồng, ghe mini còn sang cả các nước phương Tây, sang Mỹ gợi nhớ ký ức tuổi thơ của bao Việt kiều xa xứ. Từ chỗ cười chê ông, nhiều người nhiều người bắt đầu làm theo.
Ngơi tay, châm ly trà, ông Bảy Tốt từ tốn kể về chuyện xưa. Cả gia đình ông và gia đình bên vợ đều theo nghề đóng xuồng gia truyền và có nhiều con cháu nổi tiếng với tay nghề khéo. Đã bốn đời từ thời ông cố - ông Sáu Thuông, ông nội, cha, rồi các anh em ông đều nối nghiệp.
"Hồi trước hễ vô mùa nước nổi là xứ này vui lắm. Nhà nào cũng tay đục, tay cưa, tiếng gõ nhịp đều vang cả xóm. Còn ở các bến sông lớn các tỉnh như Vườn hoa Lạc Hồng (TP Mỹ Tho), xuống miệt Vị Thanh, Hậu Giang sang tận thành phố Châu Đốc, Long Xuyên buôn bán ghe, xuồng dữ lắm", ông Bảy Tốt nhớ lại.
Một chiếc ghe, xuồng nhỏ, theo ông, cũng có đầy đủ các công đoạn rọc be, uốn lô, ghim lô, đóng chuốt rồi ốp vỏ dưa, sau đó ráp bửng, đóng sạp, đẽo mũi. Mỗi sản phẩm mỹ nghệ xuồng giá bán tương đương chiếc lớn từ một triệu đến vài triệu. Thậm chí có chiếc kỳ công, tinh xảo còn có giá trị lên đến hàng chục triệu đồng.
"Đóng chiếc xuồng lớn mất chỉ một ngày công nhưng chiếc xuồng nhỏ mất đến 10 ngày nửa tháng. Vì càng nhỏ thì càng khó làm, đòi hỏi tỉ mỉ, kiên trì, không nóng tánh", ông Bảy nói tiếp. Nói rồi ông liền lấy những tấm be xuồng được ông uốn nhưng do vội mà ván nứt đường dày, đành phải bỏ.
Từ đó đến nay gần 10 năm ròng, ông Bảy Tốt theo nghiệp đóng ghe xuồng mini. Đơn hàng từ chỗ lai rai vài chiếc, hiện nay ông đóng không thể nghỉ tay một ngày. Sự kiên trì, yêu nghề của ông được tỉnh Đồng Tháp tặng bằng khen vì những đóng góp cho đề án phát triển du lịch tỉnh nhà.
Trước đó, năm 2005, làng đóng xuồng Rạch Bà Đài được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Nhưng với ông Bảy Tốt, ông Ích còn được sống với nghề, lưu giữ nghề cha ông là niềm hãnh diện của họ.
Ngọc Tài