Làng Ngũ Xã nằm bên hồ Trúc Bạch, có lịch sử khoảng 500 năm. Tên làng gắn liền với lịch sử hình thành làng.
Theo sử sách ghi lại, vào thời nhà Lê sơ (1428-1527), triều đình tập hợp những thợ đúc đồng giỏi ở năm xã của huyện Siêu Loại (nay là Thuận Thành, Bắc Ninh) và huyện Văn Lâm (Hưng Yên) về kinh thành lập Trường đúc tiền và đồ thờ cho triều đình, gọi là Tràng Ngũ xã. Người dân ở năm xã kéo về Thăng Long lập nghiệp, chọn vùng đất bên bờ hồ Trúc Bạch để an cư. Để ghi nhớ năm làng quê gốc của mình, người dân lấy tên là Ngũ Xã.
Với diện tích tự nhiên nhỏ hẹp, chỉ 0,23 km2, người dân Ngũ Xã không làm nông nghiệp. Ngay từ khi lập làng, người dân đã coi nghề thủ công đúc đồng là nghề sản xuất chính, mang tính chuyên nghiệp. Đại bộ phận dân cư trong làng tập trung sản xuất, vận chuyển và tiêu thụ các sản phẩm làng nghề.
Ban đầu, làng Ngũ Xã chuyên đúc tiền và đồ thờ cho triều đình. Cùng thời gian và sự phát triển của nghề đúc đồng, những nghệ nhân và người thợ của làng còn đúc các đồ dùng thiết thực phục vụ đời sống hàng ngày của người dân như mâm, nồi, chậu và đúc thêm đồ thờ cúng như tượng, bát hương, đỉnh, đèn nến, lọ hoa.
Qua nhiều thế kỷ, Ngũ Xã - làng đúc đồng trở nên gần gũi, quen thuộc với người dân khắp các vùng miền. Do vậy, dân gian có lưu truyền câu về ca ngợi nghề đúc đồng Ngũ Xã là một trong bốn nghề tinh hoa bậc cao của Thăng Long xưa: Lĩnh hoa Yên Thái/Đồ gốm Bát Tràng/Thợ vàng Định Công/Thợ đồng Ngũ Xã.
Hai tác phẩm nghệ thuật nổi bật nói lên trí tuệ, tài năng của các nghệ nhân, thợ đúc đồng Ngũ Xã là tượng đồng đen Trấn Vũ, còn gọi là tượng Huyền Thiên Trấn Vũ đặt tại đền Quán Thánh và pho tượng Phật Di Đà được đặt tại chùa Thần Quang, ngay trên đất làng.
Ngày nay, làng Ngũ Xã không còn "lửa nhóm ghen năm xã gây lò" như trong bài phú nổi tiếng Tụng Tây Hồ phú của danh nhân Nguyễn Huy Lượng. Làng bây giờ đã thành phố, nhà nối nhà san sát, không còn những bãi đất rộng để các xưởng đúc có thể đặt lò nung tại làng như xưa. Tuy nhiên, ngọn lửa đốt lò của các xưởng đúc đồng Ngũ Xã giờ vẫn còn được giữ bởi gia đình hai nghệ nhân đúc đồng là ông Nguyễn Văn Ứng và bà Ngô Thị Đan.
Câu 5: Làng Vạn Phúc (phường Vạn Phúc, quận Hà Đông) nổi tiếng với sản phẩm gì?