Làng Chuông thuộc xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, tên tiếng Hán là Thì Trung. Nhắc tới làng Chuông, mọi người nghĩ ngay đến câu ca dao Muốn ăn cơm trắng cá trê/Muốn đội nón tốt thì về làng Chuông vì đây là ngôi làng có truyền thống làm nón.
Việc làm nón đòi hỏi tính tỉ mỉ, kiên nhẫn nên người phụ nữ thường đóng vai trò chính yếu trong nhiều công đoạn. Việc truyền nghề và học nghề làm nón cũng chủ yếu mang tính chất "mẹ truyền con nối", vừa học vừa làm.
Đã là người làng Chuông, bất kể con gái con trai đều phải biết làm nón, khâu nón. Trẻ con lên 6-7 tuổi bắt đầu tập làm nón, từ những việc đơn giản như rẽ lá, luồn nhôi, nhặt chỉ, làm quen với các dụng cụ làm nghề.
Việc tiêu thụ nón thời xưa chủ yếu thông qua chợ làng (chợ Chuông). Theo bia chợ lập khoảng 1663-1671, chợ Chuông gắn với chùa Chuông khá sầm uất, gắn với sự công đức của một vị võ quan trong triều đình Lê - Trịnh vào nửa sau thế kỷ 17.
![Khu vực bán lá làm nón ở phiên chợ làng Chuông hồi tháng Chạp năm ngoái. Ảnh: Kiều Dương](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2019/12/19/non-lang-Chuong-2169-1576729451.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=DPwCIcBCJ3emk0fSYG9jjw)
Khu vực bán lá làm nón ở phiên chợ làng Chuông hồi tháng chạp năm ngoái. Ảnh: Kiều Dương
Nghề làm nón cho thu nhập thấp, chỉ lấy công làm lãi nhưng người dân ở làng Chuông vẫn tự hào. Ngày nay, trong nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, chiếc nón làng Chuông đã được cách tân, đa dạng hóa, nhiều kích cỡ, mẫu mã phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và quốc tế. Mỗi ngày, làng Chuông làm được khoảng 7.000 chiếc nón các loại. Nón làng Chuông được ưa chuộng ở các nước Trung Quốc, Nhật Bản và châu Âu.
Câu 4: Làng Ngũ Xã (phường Trúc Bạch, quận Ba Đình) là làng cổ khoảng 500 năm tuổi ở Hà Nội. Nghề truyền thống của làng này là gì?