Làng Vạn Phúc vốn tập hợp những cư dân vạn chài ven sông Nhuệ chuyển lên, lập thành trang Vạn Bảo. Sau này, khoảng niên hiệu Thành Thái (1889-1907), vì kỵ húy, làng Vạn Bảo đổi thành Vạn Phúc. Khi mới lập cư, người Vạn Phúc sống chủ yếu bằng nghề chài lưới, chuyển lên bờ trồng trọt, chăn nuôi. Sau này, nhờ vào vị trí đắc địa, nằm gần nguồn tơ tằm từ sông Đáy mang lại, lại là nơi trung tâm giao dịch sầm uất, giao thông thủy, bộ thuận tiện nên phát triển nghề dệt.
![Một góc làng lụa Vạn Phúc ngày nay. Ảnh: Ngọc Thành](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2019/12/19/lang-lua-van-phuc-1621-1576731542.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=UYpivso-pyuZJGqBsmv6XQ)
Một góc làng lụa Vạn Phúc ngày nay. Ảnh: Ngọc Thành
Hiện, không có tài liệu nào nói đến sự ra đời của nghề dệt ở Vạn Phúc. Người dân ở làng truyền tai rằng mười vị tướng quân người Tứ Xuyên (Trung Quốc) đã dạy nghề cho làng La Khê rồi sau mới truyền sang làng Vạn Phúc. Một thuyết khác nói về bà tổ nghề Ả Lã Nàng Đê - vị tướng thời Hai Bà Trưng.
Còn nhà nghiên cứu Lê Minh Quốc lại cho rằng nghề dệt Vạn Phúc ra đời rất muộn, ông tổ nghề dệt gấm của làng là Đỗ Văn Sửu, trước chuyên dệt the, khi vua Tự Đức 50 tuổi, ông đã tự tay dệt một bức trường "Hoàng Vương thọ thảo" bằng gấm dâng lên vua. Từ kinh nghiệm của ông, người làng Vạn Phúc đã cải tiến kỹ thuật để phát triển mặt hàng dệt gấm.
Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, nghề dệt là nghề chính, tạo ra nguồn thu chính của cư dân làng Vạn Phúc. Khoảng từ năm 1931 đến năm 1939, nghề dệt làm ăn phát đạt. Nhân dân trong xã tập trung toàn bộ lao động vào làm nghề, đồng thời thu hút nhiều thợ dệt ở các nơi đến làm thuê.
Thời điểm đó, số khung dệt tăng nhanh, số thợ dệt cũng tăng theo. Hàng năm, có tới 3.000 lao động ở các địa phương khác đến học nghề và làm thợ ở Vạn Phúc. Số lượng lụa lên tới 1,5 triệu mét một năm. Nhiều công ty tư bản Việt, Pháp, Ấn, Hoa đã xuất khẩu lụa Vạn Phúc ra nước ngoài. Sau hai lần dự triển lãm vào, lụa Vạn Phúc có mặt ngày càng nhiều ở các nước Anh, Italy, Pháp, Singapore, Thái Lan, Lào, Campuchia. Theo số liệu còn lưu lại, trước năm 1945, số hộ chuyên làm nghề dệt ở Vạn Phúc chiếm tới 85%.
Hiện, hầu hết hộ làm nghề ở Vạn Phúc đã chuyển từ dệt khung cửi sang dệt máy. Vạn Phúc hiện có trên 1.000 máy dệt, hàng năm cung cấp từ 2,5 đến 3 triệu mét vải các loại cho thị trường. Ngoài các sản phẩm bình dân, mặt hàng dệt cao cấp của Vạn Phúc là các loại sa, lụa, đũi 100% được làm từ chất liệu tơ tằm. Lụa Vạn Phúc trở thành sản phẩm văn họa, được coi là biểu tượng cho cái đẹp.