20 năm sau trận đại hồng thủy đầu tháng 11 năm 1999, làng biển Hải Thành trước đây nay đã trở thành con đập Hòa Duân dài hơn 600 m, đường nhựa rộng 8 m. Hai bên đập là hàng phi lao dày đặc. Người dân làng Hải Thành nay đã dời lên khu tái định cư mang tên làng Rồng cách nơi ở cũ khoảng một km.
Cạnh con đường nối làng cũ và nơi ở mới có chiếc miếu âm linh do người dân lập nên để thờ những người chết trong trận lũ.
Thời gian đã lùi xa, song ký ức về đêm 2/11/1999 vẫn day dứt, ám ảnh đối với chị Trần Thị Hường (48 tuổi, làng Rồng, thị trấn Thuận An). Đêm mà chị mất 12 người thân trong gia đình là bố mẹ, bốn anh em trai, hai chị dâu và bốn người cháu. Căn nhà tái định cư ở làng Rồng được nhà nước cấp sau lũ, nay là nơi chị Hường và anh trai Trần Thu thờ 12 người thân.
Thắp nén nhang lên 12 bát hương trên bàn thờ, chị Hường mắt đỏ hoe kể lại, khoảng 20h đêm 2/11, thấy nước lũ dâng ngập nhà, hai vợ chồng chị liền dùng ghe chở ba người con, trong đó có con trai mới 1,5 tháng tuổi định sang nhà bố mẹ để tránh lũ. Hai căn nhà chỉ cách nhau vài chục mét. Qua đến nơi, thấy nước lũ ngập nhà chị liền hối bố mẹ lên thuyền cùng tránh lũ ở nơi cao, song ông bà bảo vợ chồng chị đi trước, họ thu dọn đồ đạc đi sau vì "nhà có thuyền, không lo nước ngập". Nghe lời bố mẹ, hai vợ chồng chị chở ba người con lên nơi cao hơn tránh lũ.
Khoảng một tiếng sau, tiếng la hét vang lên trong đêm tối giữa biển nước, khi đó chị Hường mới biết bố mẹ, bốn anh em trai, hai chị dâu và bốn đứa cháu cùng với căn nhà đã bị lũ cuốn trôi ra biển.
Theo chị Hường, lúc đó, nhà bố mẹ chị nằm ở địa thế cao, tường vách khá kiên cố. Bởi vậy, anh Trần Thu đã chở vợ cùng với ba người con vào gửi ở nhà bố mẹ vì căn nhà của anh bị ngập sâu. Sau đó, anh chèo thuyền quay lại nhà cũ để dọn dẹp, lấy đồ đạc. Ai ngờ đó cũng là lần cuối anh gặp vợ, ba người con cùng bố mẹ mình.
"Trong đêm 2/11 và những ngày sau đó, tôi như người mất hồn, không cho con bú mà đi vật vờ dọc bờ biển tìm kiếm người thân. Nghe ở đâu phát hiện xác người trôi dạt, hai anh em đều tìm đến xem mặt. Nhưng chúng tôi chỉ tìm thấy thi thể một người em trai trôi vào gần cửa biển Thuận An" chị Hường nghẹn ngào nhớ lại.
Một tuần sau lũ, chị Hường được biết ngư dân dọc bờ biển ở huyện Quảng Điền và Phong Điền thấy xác người trôi dạt bờ biển nên đã chôn cất. Nghe mọi người miêu tả lại đúng hình dáng của cha mẹ, hai chị dâu và các cháu, chị chết lặng vì hy vọng có người sống sót đã không còn.
Ông Phan Văn Lộc (62 tuổi, làng Rồng) là một trong những người đã chứng kiến cảnh tượng kinh hoàng, khi dòng nước lũ xé toang làng biển Hải Thành vào đêm 2/11, cuốn trôi 64 căn nhà và 14 người ra biển.
"Tôi vừa chèo thuyền rời khỏi làng vài chục mét thì nghe tiếng ầm đằng sau, quay lại nhìn thấy nhiều căn nhà bị nhấn chìm trong nước lũ. Nếu chậm vài phút, có lẽ vợ chồng tôi và hai người con cũng bị lũ cuốn trôi" ông Lộc cho hay.
Trong đêm 2/11, hai chiến sĩ biên phòng Hải đội 2 đi thuyền ứng cứu dân làng Hải Thành đã bị lật thuyền và hy sinh.
Lũ cuốn qua, làng biển Hải Thành trở thành cửa biển mới dài hơn 600 m, không còn nhà cửa, người dân phải sống trong các lều dã chiến của bộ đội, ăn mì tôm, cơm vắt để sống qua ngày. Lúc này, lãnh đạo Trung ương đã giao Bộ Quốc phòng nhanh chóng xây dựng 64 căn nhà tái định cư cho người dân, cách làng cũ khoảng 1 km. Sau hơn hai tháng thi công, 64 căn nhà mới đã đón các hộ dân làng Hải Thành vào ở trước Tết nguyên đán. Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã về thăm và đặt tên là làng Rồng với mong muốn cuộc sống người dân nơi đây sẽ khởi sắc. Nhiều nhà hảo tâm cũng tìm đến làng Rồng để trợ giúp người dân vượt qua tang thương sau cơn lũ.
Làng Rồng ngày nay đã mọc thêm nhiều nhà cao tầng bên cạnh những căn nhà tái định cư được xây 20 năm trước. Đường đi lại trong làng được bê tông hóa. Ngoài nghề biển, người dân làng Rồng làm thêm nhiều nghề mới để mưu sinh. Chị Hường chia sẻ, sau khi mất 12 người thân, chị và chồng bỏ hẳn nghề biển và chuyển sang làm bánh tráng. Anh Thu cũng rời khỏi làng Rồng vào Nam lập nghiệp, hàng năm đến ngày giỗ mới trở về thắp hương cho vợ con.
Sau một thời gian ổn định cuộc sống, người dân địa phương cùng nhau đóng cọc xây dựng đập Hòa Duân lấp cửa biển do cơn lũ mở ra. Rừng phi lao được trồng dày đặc để phòng hộ.
Ông Nguyễn Văn Giàu, Phó chủ tịch thị trấn Thuận An cho biết, hiện nay làng Rồng có 64 hộ dân với 274 nhân khẩu, về cơ bản cuộc sống của người dân đã khấm khá hơn trước, không còn hộ nghèo. "Điều chúng tôi mừng nhất là các cháu nhỏ sống sót trong trận lũ ngày nào, nay nhiều cháu học hành đạt kết quả tốt. Làng Rồng hiện có 11 em học đại học, 7 em học cao đẳng" ông Giàu nói.
Trận lũ đầu tháng 11/1999 gây hậu quả nặng nề cho 10 tỉnh miền Trung với 595 người chết. Riêng tỉnh Thừa Thiên bị thiệt hại nặng nhất với 352 người chết, 21 người mất tích.
Trong lễ truy điệu người dân chết trong lũ tháng 11/1999, Bí thư tỉnh Thừa Thiên Huế Ngô Yên Thi lúc đó nói, đây là trận lũ khủng khiếp nhất mà người dân địa phương gánh chịu.
Võ Thạnh