Sáng sớm cuối năm, làng bánh phồng tại ấp 1, xã Hưng Nhượng, rộn rã tiếng lạch cạch của máy quết bột. Dọc hai bên đường, từng tốp nhân công thay phiên nhau mang những chiếu bánh đem phơi. Cả một đoạn đường dài hơn một km phủ kín màu trắng, dậy mùi thơm của bánh phồng vừa mới ra lò.
Bên trong xưởng bánh rộng khoảng 1.000 m2, bưng thau bột nếp vừa xay xong, ông Cao Văn Măng (65 tuổi, chủ xưởng) nhanh tay cho bột vào chiếc cối quết chạy bằng điện. Trong khi chiếc chày đều đặn giã bột, bên dưới cối xoay tròn để bột được dai đều, ông Măng lần lượt cho thêm đường, muối, nước cốt dừa cùng hành lá băm nhỏ. Sau khoảng 30 phút, kiểm tra thấy đã đạt, bột được đưa đến máy cán, ép khung tạo hình bánh.
Tại máy ép, ba công nhân túc trực sẵn, dùng tấm chiếu lót trên băng chuyền hứng bánh. Công nhân nhanh tay loại bỏ các phần bột thừa trên chiếu, sau đó đem bánh đi phơi.
Gia đình ông Măng làm bánh phồng hơn 30 năm, trước đây xưởng quết bột bằng cối đá, mọi công đoạn như cán, phơi đều phải làm bằng tay cho năng suất thấp và phụ thuộc thời tiết. Mười năm trước, gia đình ông đầu tư hệ thống máy quết, cán, lò sấy hàng trăm triệu đồng, cho năng suất 5,6 lần so với làm bánh thủ công.
Trong khi mẻ bánh phồng mặn vừa phơi xong, phía ngoài xưởng, chị Nguyễn Thị Hằng (42 tuổi) cùng nhóm 10 công nhân nữ dùng dao cắt từng lát chuối xiêm chín, nhanh tay dán vào một mặt bánh. Chị Hằng làm nghề dán chuối vào bánh phồng đã 3 năm nay, mỗi chiếc bánh được trả công 300 đồng. Một công nhân lành nghề bình quân mỗi tháng thu nhập khoảng 6 triệu đồng.
Do bánh phồng chuối lâu khô, nên sau khi dán, bánh sẽ được xếp vào vỉ cho vào lò sấy khoảng 4 tiếng mới đóng gói giao khách hàng. "Xưởng có hai loại bánh phồng mặn và bánh phồng chuối, bình quân mỗi ngày sản xuất khoảng 7.000-8.000 chiếc", chủ xưởng chia sẻ.
Cách đó khoảng 500 m, giữa trưa 6 công nhân tại xưởng bánh phồng mì của chị Nguyễn Thị Lan Ngọc (36 tuổi) đang làm nốt mẻ bánh cuối của ngày. Đây là một trong những xưởng bánh quy mô lớn của làng nghề, mỗi ngày cho ra lò khoảng 10.000 chiếc bánh, cao điểm Tết lên đến 12.000-13.000 chiếc. Công đoạn làm bánh phồng mì cũng giống các loại khác, nhưng nguyên liệu bánh sẽ là khoai mì luộc chín, sau đó đem quết bột.
Chủ xưởng cho hay, sau thời gian khó khăn chung vì dịch bệnh kéo dài, năm nay nghề làm bánh phồng của người dân đã kịp phục hồi, có nhiều đơn hàng trở lại. "Nếu đơn hàng nhiều có khi đến 28 Tết xưởng mới nghỉ, bánh chủ yếu xuất đi TP HCM và các khu công nghiệp ở miền Đông", chị Ngọc nói.
Bốn năm trước, làng nghề bánh phồng Sơn Đốc, xã Hưng Nhượng và bánh tráng Mỹ Lồng, xã Mỹ Thạnh (Giồng Trôm) đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Ông Bùi Văn Một, Chủ tịch UBND xã Hưng Nhượng, thông tin làng bánh phồng Sơn Đốc có 51 hộ sản xuất. Trừ 5-6 hộ dân còn làm bánh theo quy trình thủ công truyền thống, các hộ khác đều đã đầu tư hệ thống máy hiện đại. "Ngoài việc gìn giữ nghề truyền thống của địa phương, các cơ sở sản xuất bánh tạo công ăn việc làm cho người dân, mỗi lò giải quyết việc làm cho 7-10 lao động", ông Một nói.
Hoàng Nam