Dưới cơn mưa rả rích chiều cuối năm Canh Dần, ngôi làng Trúc Lâm ở phường Hương Long, thành phố Huế, vẫn mang đậm nét cổ kính với cổng làng cao to, uy nghiêm. Đặc biệt ngôi làng được bao bọc bởi những khóm tre già xanh mướt theo đúng nghĩa Trúc Lâm.
![]() |
Làng Trúc Lâm, nơi có hàng trăm cụ cao niên. Ảnh: Văn Nguyễn. |
Theo gia phả còn lưu giữ, làng Trúc Lâm đã hơn 500 năm tuổi, tổ tiên vốn là con dân Nghệ An đến khai phá lập làng từ thời vua Lê Thánh Tôn (năm Quang Thuận thứ 10, tức 1469). Những ngày gần Tết, không khí ở ngôi làng cổ khá rộn rã, nhất là ở phiên chợ quê. Từ sáng sớm, chợ đã tấp nập kẻ bán người mua, chủ yếu là người có tuổi.
Cầm trên tay cây giang, gói bột nếp về làm bánh nậm lọc (một đặc sản ở Huế), cụ bà Trần Thị Ất vui vẻ tâm sự: “Tết con cháu tụ họp nên tui phải đi chợ sớm để sắm sửa đồ đạc cho kịp”. Ở tuổi 83, cụ Ất vẫn rất nhanh nhẹn. Cụ cho biết nhà có 9 người con, 9 đứa cháu nội, còn cháu ngoại thì không nhớ hết. Dù làm ăn ở bất cứ nơi đâu thì Tết đến, con cháu cụ đều tề tựa đông đủ. “Năm nay tui đã chuẩn bị sẵn đàn gà để tổ chức Tết cho con cháu”, bà cụ móm mém nói.
Trong căn nhà nhỏ rợp bóng tre, ông Trần Luyến, 77 tuổi, chi hội trưởng người cao tuổi Trúc Lâm, đang cùng các con trang hoàng lại bàn thờ tổ tiên. Ông Luyến cho biết ở làng này ngày 25 tháng chạp là người dân đã nghỉ việc đồng áng để lo sắm Tết. Ngày 29 là nhà nào cũng gói bánh tét, bánh chưng để cúng tất niên và cúng giao thừa.
“Thời khắc giao thừa con cháu dù xa dù gần đều tập trung tại nhà bố mẹ, chúc sức khỏe các cụ và cùng ăn bữa cơm đầu năm mới, sau đó mới trở về nhà riêng. Mùng 1 Tết, các bậc cao niên lại đi chúc tuổi nhau. Từ xưa đến nay người trong làng vẫn giữ được truyền thống này”, ông Luyến nói.
![]() |
Bà Trần Thị Ất (bên trái) đứng nói chuyện với cụ Nguyễn Thị Thế (82 tuổi) tại chợ Thông. Ảnh: Văn Nguyễn. |
Nói về các cụ cao niên trong làng, ông Luyến tự hào khoe đến Trúc Lâm ngày Tết, khách sẽ thấy rất nhiều cụ già chống gậy đi chúc Tết bậc sinh thành. Bởi cả làng chỉ có 630 hộ dân với hơn 2.700 nhân khẩu, nhưng có tới 47 cụ ngoài 80 tuổi, 29 cụ ngoài 90, 2 cụ ngoài 100, còn các cụ ngoài 70 tuổi thì đếm không hết.
Trong số các cụ cao niên, có lẽ xuân này cụ Phan Hường vui nhất. Tròn 100 tuổi, cụ Hường vừa được Chủ tịch nước tặng quà mừng thượng thọ. Ông Phan Táo, 67 tuổi, con trai cụ Hường, cho biết mặc dù bị lãng tai, nhưng hễ có khách đến chơi nhà là cụ lại ngồi dậy bắt chuyện. “Tết đến, cụ như thấy vui trong người nên ngồi nói chuyện với con cháu cả ngày cũng không biết chán”, ông Táo nói thêm.
Ngồi trên bàn tranh thủ lau lá gói bánh chưng, cụ Hường luôn miệng nhắc con cháu thay phiên nhau đến nhà thờ họ cúng trong 3 ngày Tết. “Ở làng ni tục lệ nó rứa. Từ ngày 30 đến hết mùng 3 Tết là con cháu phải lo đến nhà thờ họ thắp hương, làm lễ cúng tổ tiên. Tui còn sống được ngày nào là còn lo nhắc nhở con cháu cho tròn chữ hiếu”, cụ Hường bộc bạch.
![]() |
Cụ ông Phan Hường (ngồi giữa) đang cùng con trai Phan Táo và chắt nội Minh Châu lau lá gói bánh Tết. Ảnh: Văn Nguyễn. |
Tuy ở thành phố nhưng người dân Trúc Lâm chuyên sống về nông nghiệp. Tết đến, các cụ cao niên, dù giàu hay nghèo, đều sẵn lòng đóng góp 2 kg gạo vào quỹ khuyến học của làng. Các cụ làm trước, con cháu làm theo, nhờ thế mà ra Tết, con cháu trong làng đi học ở xa đều được tặng một khoản nho nhỏ gọi là tiền đi đường như nhắn gửi những người trẻ cố gắng học tập để xây dựng quê hương, đất nước.
Lễ hội đầu năm ở Trúc Lâm không tổ chức vui chơi như ở nhiều địa phương khác. Thay vào đó, con cháu của 12 dòng họ trong làng cùng sum họp, nghe lại lịch sử 500 năm thành lập làng, làm giỗ ông Tổ khai canh, bàn việc xây dựng làng vào sáng mồng 3 Tết.
Khi được hỏi về bí quyết trường thọ của làng, các bậc cao niên đều cười bảo người dân Trúc Lâm sống chan hòa, yêu thương đùm bọc lẫn nhau. Tình làng nghĩa xóm luôn đặt lên trên. Người lớn tuổi luôn là tấm gương cho con cháu noi theo. Còn cụ Phan Quyên, 93 tuổi, thì lý giải: “Dân trong làng chủ yếu đều làm nông, đi làm về mệt nhọc, nhưng được cái sống điều độ, ăn uống những thứ tự mình làm ra, nếp nhà sạch sẽ. Có lẽ nhờ đó mà trường thọ".
Văn Nguyễn