Armstrong bị tước bảy danh hiệu vô địch Tour de France và cấm hoạt động liên quan tới đua xe đạp từ năm 2012. Anh sau đó thừa nhận sử dụng các loại thuốc tăng cường khả năng vận động.
Cựu tay đua 47 tuổi cho biết đã đưa 100.000 đôla cho một quỹ đầu tư mạo hiểm rót tiền vào ứng dụng Uber năm 2010. Quyết định sáng suốt này đã mang về khoản tiền khổng lồ cho Armstrong.
"Đầu tư vào Uber đã cứu gia đình tôi", Armstrong nói với kênh CNBC.
Hồi tháng 4/2018, Armstrong đồng ý trả năm triệu đôla cho chính quyền Mỹ để dàn xếp vụ kiện kéo dài có thể khiến tay đua này thiệt hại 100 triệu đôla. Tuy nhiên, tay đua từng vượt qua ung thư cho biết không thoát "một cách dễ dàng" khi những vụ dàn xếp và án phí khác đã lên tới 111 triệu đôla.
Armstrong, bố của năm đứa trẻ, không tiết lộ số tiền kiếm được từ Uber nhưng thừa nhận đây là con số khó tin. Armstrong cho biết Uber, sáng lập năm 2009, trị giá 3,7 triệu đôla ở thời điểm đầu tư. Công ty này được định giá 72 tỷ đôla vào năm 2018 và đặt mục tiêu lên 120 tỷ đôla vào năm 2019.
"Một trong những con số đó", Armstrong trả lời khi được hỏi đã kiếm được 10, 20, 30, 40 hay 50 triệu đôla.
Tay đua này thậm chí còn không biết đã đầu tư vào Uber khi bỏ tiền cho Chris Sacca, doanh nhân sáng lập Lowercase Capital vào năm 2010.
Armstrong giải nghệ lần đầu sau khi giành bảy danh hiệu vô địch Tour de France liên tiếp từ 1999 tới 2005. Tay đua này về thứ ba chung cuộc khi trở lại năm 2009, trước khi giải nghệ lần nữa năm 2011.
Cơ quan phòng chống doping của Mỹ (USADA) tuyên bố Armstrong "thực hiện một trong những dự án sử dụng doping tinh vi, chuyên nghiệp và thành công nhất trong tất cả các môn thể thao" khi tay đua gốc Texas thừa nhận dùng doping trong suốt sự nghiệp vào năm 2013.
Bảo Lam