![]() |
Dân "sành điệu" ở sàn nhảy bị gom trong đợt truy quét tệ nạn thuốc lắc. Ảnh: Lao Động |
Trên đường Trương Định, bên Công viên Tao Đàn, lúc thành phố đã lên đèn, một "đại sàn nhảy" ngoài trời với hàng trăm người tham gia, từ cỡ U60 cho đến cháu bé mười tuổi. Hầu hết đều ăn mặc theo kiểu đi... tập thể dục, ngoại trừ một số trai thanh, gái lịch ăn mặc đúng mốt.
Bác Hùng ở quận 1 cho biết, mục đích tham gia lớp nhảy (dance): "Thay vì mình chạy bộ vòng vòng quanh công viên, tham gia lớp học với học phí rẻ, vừa biết nhảy lại thêm có bạn, quen nhiều người".
Buổi học thường kéo dài vài tiếng đồng hồ, từ những bước đi căn bản, cho đến những điệu nâng cao, học viên mới được học viên cũ kèm cặp, mọi người cùng tiến, cùng lùi trong tiếng nhạc cũng không thuộc hàng chuyên nghiệp cho lắm.
Lớp học chỉ trang bị mỗi chiếc máy nho nhỏ, tiếng nhạc phát ra khiêm tốn so với những sàn dạy nhảy chuyên nghiệp như trong Cung Văn hoá Lao động, Nhà Văn hoá Thanh niên.
Đến Công viên Gia Định cũng vậy, lớp học nhảy ngoài trời này cũng có tới năm chục người. Có bác thậm chí tay chân cứng đờ, lọng ngọng, run run cũng tham gia hết mình.
Giáo viên dạy cũng nhiệt tình giúp học viên "một hai... ba bốn... tiến tiến... lùi lùi...", bởi đây là lớp học có thể xem là bình dân nhất thành phố. Và cũng mang đặc điểm chung, đó là vừa học nhảy vừa rèn luyện thân thể, tập thể dục ngay ở những công viên.
"Chuyện tình" sau đêm nhảy
Lớp dạy nhảy vào buổi tối ở Trung tâm Văn hoá quận Bình Thạnh nhạc to, chuyên nghiệp hơn hẳn các lớp công viên. Đa số dancer đều là các "cô" tầm U... 60.
Bà H, nhà ở quận Gò Vấp đến lớp học nhảy cũng chỉ vì ham vui, chồng hay đi công tác thường xuyên, chuyện nhà bà lại gặp cảnh "cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt".
Năm nay đã ngoài 50, nhưng cách ăn mặc của bà H trông bốc lửa hết cỡ. Váy cũn cỡn, tóc bó đuôi gà, da mặt trét phấn dày. Một anh bạn cho biết bà H mà được anh dìu nhảy vài điệu là được "nàng" vung tay "bo" cả trăm ngàn. Rồi được uống nước miễn phí và chầu ăn tối, ăn khuya... bà cũng bao tuốt luốt.
Đến một bar thuộc một khách sạn trên đường Lý Thường Kiệt, quận Tân Bình mới biết dân nhảy nhót quậy cỡ nào.
Giá một chai bia ở đây cao gấp ba lần giá bình thường. Rất nhiều em xinh tươi, ăn mặc mát mẻ kè sát bên gọi là nhân viên giao tiếp của bar.
Mới đến cửa đã có hàng vệ sĩ ăn mặc đồng phục đen tuyền rất oai phong đón tiếp. Đi qua một lối nhỏ hẹp vòng vèo mới đến cánh cửa được kéo ra bởi một chàng vệ sĩ cao to đứng đón trong vẻ mặt hình sự. Tiếng nhạc đập ình ình vào hai tai khiến ai mới bước vào phải lùng bùng cái màng nhĩ.
Chưa yên vị trên chiếc ghế xoay vòng, khách hàng đã được các cô giao tiếp của bar mời chào bằng đủ lời đường mật. Nào xin số điện thoại, nào các anh ở đâu, hay đến đây không hay mới lần đầu... và...
Có lẽ say với từng hồi âm thanh nảy lửa, các cô nhân viên mời chào rời ghế để nhún nhảy cũng ngay tại chỗ xung quanh những chiếc bàn đầy bia.
Càng ngấm hơi men, khách và nhân viên càng quay cuồng dữ dội hơn. Song đến hồi thanh toán tiền quả là có say mấy cũng phải tỉnh vì giá ở đây đắt kinh khủng.
Nhiều khách ra về với tâm trạng không biết có lần sau quay lại vì hầu bao không cho phép. Nhưng sau đó là điện thoại reo liên tục, mấy cô nhân viên giao tiếp ở bar này bám riết.
Có người ghiền đến bar để nhảy và chuyện tình của anh ta không biết dừng thế nào bởi sự bám riết của các tiếp viên!
Rồi chuyện tình vỡ lở. Đi đêm mãi có ngày gặp ma! Một lần ngủ ở nhà, anh ta quên tắt điện thoại di động, vợ giật mình bởi "con dế" rung ngay đầu giường.
Dòng tin nhắn "Anh ơi em buồn quá... đến ngủ với em đi...!". Bị một trận tơi bời, anh ta ủ rũ: "Thế là chuyện dance đến hồi kết thúc".
(Theo Lao Động)