Thông tin vừa được Ngân hàng Nhà nước công bố. Đây là lần thứ ba cơ quan này gọi thầu, trong đó có tới 2 lần bị huỷ (lần hôm nay và đầu tiên).
Trong lần gọi thầu đầu tiên, theo giới kinh doanh, họ không kịp chuyển tiền đặt cọc do thông báo mời thầu được gửi sát giờ đóng cửa của các ngân hàng vào thứ 6 tuần trước, nên phiên đấu thầu bị hủy.
Lần thứ hai, đấu thầu được tổ chức thành công nhưng chỉ có 2 trên 11 đơn vị trả giá với khối lượng trúng là 3.400 lượng và Ngân hàng Nhà nước còn ế 13.400 lượng vàng miếng. Hầu hết đơn vị tham gia "không thỏa mãn" với mức giá sàn do Ngân hàng Nhà nước công bố khi xét tới việc phải bỏ ra lượng vốn lớn trong bối cảnh giá thế giới có xu hướng đi xuống.
Trong lần gọi thầu mới nhất sáng nay, Ngân hàng Nhà nước cũng chào thầu 16.800 lượng vàng miếng SJC, nhưng không thông báo chi tiết giá tham chiếu.
Cựu giám đốc kinh doanh vàng của một doanh nghiệp lớn chia sẻ, sau giai đoạn giá thế giới và trong nước tăng kéo dài, người dân có xu hướng quan sát thay vì tham gia vào thị trường. Lực mua vàng miếng SJC cũng giảm bớt so với trước do có sự dịch chuyển sang nhẫn trơn 24K. Do đó, các đơn vị tham gia đấu thầu vàng miếng cũng tương đối dè dặt khi phải cân đối đầu ra trong khi mức giá Ngân hàng Nhà nước đưa ra không hấp dẫn.
Nếu muốn giảm chênh lệch với giá quốc tế, nhà điều hành cần bán ra với giá sát hoặc thấp hơn thị trường trong nước. "Trường hợp Ngân hàng Nhà nước vẫn đấu thầu như một đơn vị kinh doanh thay vì vai trò cơ quan quản lý can thiệp thị trường, thì mục tiêu kéo gần với thế giới còn xa vời", chuyên gia nói thêm.
Giá vàng miếng SJC có xu hướng biến động mạnh gần đây trước diễn biến đấu thầu vàng. Trưa nay, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) yết giá mua bán vàng miếng tại 81,7 - 84 triệu đồng một lượng, vênh hơn 12,5 triệu đồng so với giá quốc tế.
Quỳnh Trang