Tại phiên xử cuối năm 2002, VKS huyện Từ Liêm truy tố Quân theo khoản 1, Điều 202, BLHS về tội vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, mức phạt cao nhất là 5 năm tù. Tuy nhiên, TAND huyện đã phải tạm dừng phiên xử vì phát sinh một số tình tiết; đồng thời người nhà bị hại yêu cầu trả hồ sơ để điều tra lại vì cho rằng Quân do đua xe ôtô nên đã đâm chết người. Lần này, VKS Hà Nội nghiên cứu lại hồ sơ và quyết định truy tố bị cáo theo khoản 2, Điều 202, với khung hình phạt cao nhất là 10 năm. Bản cáo trạng mới cũng khẳng định "căn cứ lời khai của Phạm Hồng Quân cùng các nhân chứng và những tài liệu có trong hồ sơ đều không xác định được 3 taxi đã tham gia đua xe trên đường Láng - Hoà Lạc"
Hầu hết các nhân chứng đã có mặt theo triệu tập. 3 giám định viên Viện khoa học hình sự, người trực tiếp có đo đạc hiện trường, cũng đến toà để làm rõ một số thắc mắc của gia đình nạn nhân và luật sư bào chữa.
Trả lời thẩm vấn, Quân khai cùng 2 đồng nghiệp Mai Xuân Thắng và Nguyễn Anh Đức lái taxi từ Hà Nội đến huyện Hoài Đức (Hà Tây) để đón khách. Khi quay về, trên đường cao tốc Láng - Hoà Lạc, do tránh 3 xe máy đi ngược chiều và lấn phần đường, Quân đã quặt tay lái sang bên phải đường nên đâm vào xe đạp đi cùng chiều. Hậu quả, hai học sinh Linh và Thư, đang trên đường đi thăm quan về nhà, bị đâm chết.
Quân khai: "Vận tốc xe chạy lúc đó khoảng 60 km, tình trạng xe ôtô tốt". Chủ toạ, thẩm phán Nguyễn Thanh Bình cho biết đoạn đường xảy ra tai nạn có cắm biển quy định tốc độ tối đa 40 km/h, do vậy bị cáo đã đi quá quy định. Nghe xong, Quân li nhí nói: "Dạ đúng, bị cáo cũng nhìn thấy biển báo". Giơ quyển Luật giao thông đường bộ, chủ toạ giải thích rằng, theo quy định bị cáo phải đi đúng phần đường, không được đánh tay lái sang đường dành cho xe thô sơ.
Trong quá trình xét xử, bị cáo Quân cúi gằm mặt và trả lời nhiều câu không rõ ràng khiến thân nhân người bị hại bức xúc. Chủ toạ phiên toà phải nhiều lần nhắc nhở những người này.
Chiều nay, toà tiếp tục làm việc.
Anh Thư