Alexander Karp, CEO công ty phân tích dữ liệu Palantir, hồi tháng 3 đăng thư ngỏ kêu gọi các lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) hiện đại hóa năng lực quốc phòng với sự giúp đỡ của Thung lũng Silicon, trong bối cảnh Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine.
Lời kêu gọi đang được đáp lại. NATO cuối tháng 6 tuyên bố lập quỹ một tỷ USD để đầu tư cho các startup trong "những công nghệ ưu tiên" như AI, xử lý dữ liệu lớn và tự động hóa. Chính phủ Anh cũng công bố chiến lược AI mới cho quốc phòng, trong khi Đức dự kiến dành gần nửa tỷ USD cho AI trong gói ngân sách quân sự bổ sung 100 tỷ USD.
Mối quan hệ giữa ngành công nghệ và quốc phòng không phải lúc nào cũng nồng ấm như vậy. Hồi năm 2018, Google chịu nhiều sức ép từ nhân viên và phải rút khỏi Dự án Maven - phát triển hệ thống nhận diện hình ảnh để cải thiện năng lực tiến công cho máy bay không người lái (UAV) của Lầu Năm Góc.
Động thái này cũng dẫn tới những cuộc tranh cãi nảy lửa về quyền con người và tính đạo đức trong phát triển AI cho những khí tài tự hành. Dự án cũng khiến nhiều nhà nghiên cứu hàng đầu cam kết không phát triển AI cho vũ khí sát thương.
Bốn năm sau, Thung lũng Silicon trở nên thân cận với quân đội phương Tây hơn bao giờ hết. "Không chỉ có những tập đoàn lớn, mà những startup mới xuất hiện cũng đang tìm cách chen chân vào thị trường này", Yll Bajraktari, cựu Giám đốc Ủy ban An ninh Quốc gia Mỹ về AI (NSCAI), cho hay.
Vì sao AI được đề cao?
Các startup phát triển AI quân sự từng đưa ra nhiều tuyên bố về công nghệ của mình. Họ khẳng định AI đáp ứng những việc từ đơn giản tới phức tạp, như rà soát hồ sơ đến xử lý thông tin từ vệ tinh, nhận diện hình mẫu xuất hiện trong dữ liệu để giúp binh sĩ đưa ra quyết định nhanh hơn trên chiến trường. Phần mềm nhận diện hình ảnh có thể giúp xác định mục tiêu, trong khi UAV trinh sát và tiến công được điều khiển bởi AI.
Những công nghệ này vẫn trong giai đoạn sơ khai và đôi khi không mang lại kết quả nào. Có hàng loạt ví dụ cho thấy nhiều công ty phóng đại về công nghệ, xa rời với năng lực thực tế. Các cuộc xung đột cũng tạo ra nhiều thách thức trong phát triển AI, vì không có nhiều dữ liệu đào tạo.
"Nhiều hệ thống tự động sẽ gặp trục trặc theo những cách rất phức tạp và không thể dự đoán trước", Arthur Michel, chuyên gia về công nghệ UAV và trinh sát ở Viện Nghiên cứu Giải giáp vũ trang của Liên Hợp Quốc, nhận xét.
Dù vậy, quân đội nhiều nước vẫn thúc đẩy nghiên cứu và thử nghiệm AI trong môi trường thực tế. Điều này khiến giới chuyên gia lo ngại, cảnh báo nguy cơ nguồn tiền khổng lồ chỉ làm giàu cho các công ty AI thay vì cải thiện khả năng tác chiến của quân đội.
Nguồn đầu tư cho AI quân sự
Tranh cãi xoay quanh Dự án Maven đã chìm xuống, nhường chỗ cho những lời kêu gọi tăng cường AI trong quốc phòng.
Một trong những tiếng nói lớn nhất là cựu CEO Google Eric Schmidt, hiện giữ chức chủ tịch NSCAI, khi ông kêu gọi Washington áp dụng cách tiếp cận năng nổ hơn trong triển khai AI quân sự. NSCAI hồi năm ngoái đề xuất quân đội Mỹ chi 8 tỷ USD mỗi năm cho AI trước năm 2025 nhằm bảo đảm ưu thế và không để Trung Quốc vượt mặt.
Quân đội Trung Quốc cũng được cho là đã đầu tư ít nhất 1,6 tỷ USD/năm cho AI, theo báo cáo của Trung tâm An ninh và Công nghệ Mới nổi Georgetown của Mỹ.
Không chỉ quân đội Mỹ theo đuổi AI. Các nước châu Âu, vốn cẩn trọng trong áp dụng công nghệ mới, cũng đang đầu tư nhiều nguồn lực cho trí tuệ nhân tạo, theo Heiko Borchert, đồng giám đốc Cơ quan Giám sát AI Quốc phòng thuộc Đại học Helmut Schmidt tại Đức.
Thuận lợi và khó khăn
Xây dựng nhu cầu về AI là một chuyện, thúc đẩy các quân đội ứng dụng nó là vấn đề hoàn toàn khác. "Nhiều quốc gia đang theo đuổi, nhưng gặp khó khăn trong quá trình chuyển từ khái niệm sang triển khai thực tế. Một phần lý do là ngành công nghiệp quốc phòng ở nhiều nước vẫn nằm trong tay các tập đoàn lớn, vốn chuyên về khí tài quân sự hơn là phần mềm trí tuệ nhân tạo", Arnaud Guerin, CEO startup về AI giám sát Preligens ở Pháp, nhận xét.
Quá trình phê duyệt các dự án quốc phòng cũng chậm chạp hơn nhiều so với tốc độ phát triển vũ bão của công nghệ. Mỗi hợp đồng quân sự có thể triển khai trong hàng chục năm, trong khi startup chỉ có trung bình khoảng một năm để phát triển. Những công ty AI có tham vọng tiến vào lĩnh vực quân sự phải tìm cách duy trì hoạt động về lâu dài.
Điều này được nhiều startup và quỹ đầu tư mạo hiểm phản ánh trong thời gian qua. "Nguy cơ lớn nhất là các lập trình viên tài năng sẽ chán nản và tìm công việc ở Facebook, Google. Hàng loạt startup có thể bị phá sản trong lúc chờ hợp đồng quân sự", Katherine Boyle, đối tác tại quỹ đầu tư mạo hiểm Andreessen Horowitz, cảnh báo.
Quân đội các nước cũng trong tình thế khó xử. Phê duyệt quá nhanh có thể dẫn tới những hệ thống hỏng hóc và gây nguy hiểm cho con người, trong khi quá chậm sẽ khiến họ bỏ lỡ hàng loạt tiến bộ công nghệ.
Những lo ngại về đạo đức đi kèm với Dự án Maven vẫn chưa biến mất hoàn toàn. Lầu Năm Góc đã ban hành hướng dẫn cho các nhà phát triển AI, cũng như quy định về sử dụng công nghệ một cách có đạo đức, loại bỏ hoàn toàn thiên kiến trong thuật toán.
Một trong những khái niệm then chốt trong đó là con người phải luôn có quyền kiểm soát các hệ thống AI, nhưng điều này không phải lúc nào cũng khả thi.
"Mục tiêu của những hệ thống tự động là cho phép chúng ra quyết định nhanh, chính xác và ở quy mô lớn hơn nhiều so với khả năng của con người. Việc đòi hỏi con người giám sát từng quyết định sẽ cản trở năng lực của chúng", Kenneth Payne, người đứng đầu hoạt động nghiên cứu quốc phòng tại Cao đẳng Hoàng gia London, nêu quan điểm.
Kỷ nguyên AI quân sự cũng đặt ra nhiều câu hỏi khó về tính đạo đức, trong đó có mức độ tự động hóa của các lực lượng vũ trang. "Những hệ thống AI có thể làm giảm thương vong nhờ khả năng tập trung vào mục tiêu cụ thể, nhưng bạn cũng đang phát triển một đội quân robot đánh thuê để tham chiến. Điều đó sẽ tách rời xã hội và khiến mọi người không còn cảm xúc với những hậu quả từ cuộc chiến", Payne nói.
Điệp Anh (theo Technology Review)