"Pegatron đã đăng ký mở chi nhánh ở Chennai", Economic Times trích lời một nguồn tin thân cận cho biết, "Hiện tại, lãnh đạo công ty này đang thảo luận với nhiều bang để tìm đất làm nhà máy".
Pegatron sở hữu nhiều nhà máy tại Trung Quốc, hiện là hãng lắp ráp iPhone lớn nhì cho Apple. Trước Pegatron, các hãng lắp ráp cùng của Đài Loan khác là Foxconn Technology và Wistron cũng đã sản xuất iPhone tại miền Nam Ấn Độ và đang cân nhắc mở rộng sản xuất tại đây. Động thái của Pegatron được cho là nhằm bảo vệ thị phần sản xuất iPhone giá rẻ của họ.
Pegatron là cái tên mới nhất gia nhập làn sóng đầu tư công nghệ vào Ấn Độ năm nay. Vài tuần gần đây, Google, Facebook, Qualcomm và nhiều công ty khác đã rót gần 20 tỷ USD vào hãng viễn thông Jio Platforms của người giàu nhất châu Á Mukesh Ambani. Google còn cam kết chi 10 tỷ USD trong 5 năm tới để tăng tốc chuyển dịch số tại Ấn Độ.
Trong khi đó, Amazon cũng có ý định đầu tư 1 tỷ USD cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Ấn Độ, đồng thời khẳng định sẽ sử dụng các nền tảng của mình để xuất khẩu 10 tỷ USD hàng Ấn Độ cho đến năm 2025. Khi đến Ấn Độ hồi tháng 1, ông chủ Amazon Jeff Bezos còn cho biết "Thế kỷ 21 sẽ là thế kỷ của Ấn Độ".
Ấn Độ đang tích cực thu hút đầu tư vào nước này, trong bối cảnh Mỹ - Trung bất đồng và kinh tế trong nước trì trệ. Hồi tháng 6, Chính phủ Ấn Độ tung kế hoạch 6,6 tỷ USD nhằm thu hút các hãng smartphone hàng đầu thế giới đến đây, chào mời họ bằng các ưu đãi tài chính và cụm sản xuất sẵn sàng sử dụng ngay. Trước đó, họ còn thông báo dành ra một quỹ đất có diện tích gấp đôi Luxembourg, tương đương hơn 460.000 hecta, nhằm thu hút các hãng sản xuất từ Trung Quốc.
Ấn Độ có lượng nhân lực tay nghề cao dồi dào, cũng như thị trường tiêu thụ lớn. Tuy vậy, tỷ lệ sử dụng smartphone vẫn còn thấp, khiến Ấn Độ trở thành thị trường tiềm năng với các thương hiệu toàn cầu đang cần tăng trưởng như Apple, Samsung Electronics, Xiaomi và Oppo. Còn với các hãng lắp ráp như Pegatron, xuất khẩu lại là cơ hội hấp dẫn, đặc biệt trong thời điểm quan hệ thương mại giữa Washington và Bắc Kinh xấu đi, khiến nhu cầu đa dạng hóa địa điểm sản xuất càng cấp bách.
Smartphone đang là ưu tiên trong chiến lược Make in India của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Bộ trưởng Công nghệ Thông tin và Điện tử Shankar Prasad cho biết mục tiêu của họ là các thương hiệu và hãng sản xuất chuyển toàn bộ chuỗi cung ứng sang nước này, chứ không chỉ là khâu lắp ráp cuối cùng.
Pankaj Mohindroo - Chủ tịch Hiệp hội Điện tử và Di động Ấn Độ cho biết nước này sẽ trở thành trung tâm sản xuất toàn cầu với cả linh kiện và lắp ráp thiết bị điện tử. Nhóm này hiện có hàng chục công ty thành viên, trong đó có Apple, Foxconn, Google, Wistron, Oppo.
"Mục tiêu là chuyển từ sản xuất cho tiêu dùng tại Ấn Độ sang xuất khẩu. Đến năm 2025, quy mô thị trường sản xuất hàng điện tử Ấn Độ sẽ lên tới 400 tỷ USD, chủ yếu là hàng xuất khẩu", ông cho biết.
Hà Thu (theo Bloomberg, Economic Times)