Covid-19 một lần nữa trỗi dậy ở châu Âu, vài tuần sau khi các nước lần lượt nới hạn chế phòng dịch. BA.2 (còn gọi là Omicron "tàng hình") lây lan mạnh ở châu Á, đặc biệt là ở Hong Kong, Hàn Quốc. Các chuyên gia dự đoán Mỹ cũng chuẩn bị đón cơn bão Covid mới, sau châu Âu vài tuần.
Đối với nhiều quốc gia, đây là khoảng thời gian không dễ dàng. Theo các nhà dịch tễ học, một mặt, phần tồi tệ nhất của đại dịch đã qua đi, số ca nhập viện và tử vong giảm. Mặt khác, giới khoa học đặt câu hỏi, liệu Covid-19 có trở nên tồi tệ hơn trong tương lai, khi các biến chủng mới xuất hiện.
Các chuyên gia chỉ ra những điểm giống và khác nhau giữa dịch bệnh giai đoạn mới hiện nay và trong quá khứ.
Đầu tiên, ca nhiễm virus vẫn sẽ tăng theo cấp số nhân. Biến chủng phụ của Omicron là BA.2 trở nên phổ biến trong vài tuần qua ở châu Á và châu Âu. Các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho thấy nó có khả năng lây nhiễm cao hơn so với phiên bản gốc 30%.
Dù là biến chủng nào, biểu đồ dịch tễ trên thế giới gần như đi theo hướng giống nhau. Số ca nhiễm thấp ổn định trong thời gian đầu và nhanh chóng leo thang theo cấp số nhân. Ca nhiễm chạm đỉnh và đi ngang, giảm ổn định hoặc đột ngột.
Số ca F0 tại châu Âu đang tăng trở lại, theo dữ liệu của Our World in Data. Các chuyên gia sử dụng xu hướng này để phỏng đoán tình hình toàn cầu.
Thông thường, số người nhập viện có thể tăng lên sau từ một đến hai tuần, lượng người tử vong tăng sau 4 đến 6 tuần, tùy thuộc vào năng lực hệ thống y tế công cộng. Hong Kong và Hàn Quốc đang ở trong giai đoạn này, báo cáo số ca tử vong cao hơn bất cứ thời điểm nào trong hai năm gần đây. Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong ở Hong Kong cao hơn nhiều so với Hàn Quốc do công tác chuẩn bị ứng phó dịch chậm trễ.
Điểm không đổi thứ hai: công cụ phòng dịch trước đó vẫn có hiệu quả. Dù biến chủng có khả năng lây truyền ra sao, những biện pháp như tiêm vaccine, cách ly F0, đeo khẩu trang và xét nghiệm đều ngăn ngừa được virus. Nếu ứng dụng hiệu quả, Covid-19 lây lan chậm lại. Nếu gỡ bỏ quá sớm, dịch leo thang.
Số ca nhiễm ở châu Âu gia tăng cùng thời điểm giới chức gỡ bỏ quy định đeo khẩu trang, cách ly, sử dụng chứng chỉ vaccine và một số biện pháp phòng ngừa khác. Điều này cho thấy BA.2 có cơ hội lây lan mạnh một phần do cộng đồng buông lỏng các hoạt động phòng dịch.
Tình hình tương tự ở châu Á. Nguyên nhân ca tử vong hàng ngày tăng không phải vì đặc tính nội tại của virus. Biến chủng phụ BA.2 dường như không gây triệu chứng nặng hơn Omicron gốc, theo các nhà khoa học. Nó cũng không trốn tránh vaccine hiệu quả hơn.
Ở Hong Kong, lượng F0 tử vong tăng đột biến chủ yếu do nhiều người cao tuổi chưa tiêm vaccine. Chính sách "Không Covid" trước đó cũng khiến ít người có miễn dịch tự nhiên. Tại Hàn Quốc, số ca nhiễm cao nhưng tỷ lệ tử vong thấp do người cao tuổi hầu như được tiêm phòng đầy đủ, giới chức tận dụng thời gian dịch suy yếu để củng cố năng lực bệnh viện, thực hiện hiệu quả chiến lược xét nghiệm.
Dù vậy, dịch bệnh giai đoạn mới có những điểm khác biệt. Đầu tiên, tỷ lệ tử vong và nhập viện giảm bởi nhiều khu vực có miễn dịch cao, chuẩn bị ứng phó tốt.
Ở Mỹ, 65% tổng dân số đã tiêm ít nhất hai liều vaccine, 50% đã tiêm tăng cường. Tính cả người từng mắc bệnh, các chuyên gia cho biết gần ba phần tư dân số nước này có miễn dịch với Covid-19, theo Viện Đánh giá và Đo lường Sức khỏe. Điều này có nghĩa tỷ lệ nhập viện và tử vong ở Mỹ giảm, ngay cả khi số ca nhiễm tăng đột biến.
Các nước châu Âu có xu hướng tương tự. Theo Our World in Data, tỷ lệ tử vong trên một triệu dân của khu vực này là 2,3, giảm mạnh từ đỉnh dịch hồi mùa xuân là 4,6.
Tại châu Á - Thái Bình Dương, tỷ lệ nhập viện và tử vong trong làn sóng Omicron cũng thấp hơn so với các biến chủng khác. Hàn Quốc, Australia, New Zealand và Singapore báo cáo tỷ lệ tử vong trên 100 ca F0 từ 0,1% trở xuống, ít hơn so với 0,8% ở Anh hay 1,2% tại Mỹ.
Khi thế giới bước vào năm thứ ba đại dịch, các nhà lãnh đạo rút được bài học sâu sắc về hiểm họa của sự chủ quan, biết cách giảm bớt tác động tồi tệ nhất của Covid-19.
Các nước đảm bảo đủ giường bệnh, bác sĩ và y tá để điều trị bệnh nhân Covid-19, đồng thời đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe thông thường khác. Châu Á cũng dành thời gian phân phối vaccine, giúp giảm đáng kể nguy cơ nhập viện do Covid-19. Dù hiện nay số ca nhiễm tăng đột biến, dịch bệnh dường như ít chết chóc hơn so với trước đó.
Các nước cũng đã có công cụ điều trị, tránh bệnh chuyển nặng, khác với giai đoạn trước khi chính phủ gần như chỉ phụ thuộc vào công tác phòng ngừa bằng vaccine.
Liệu pháp kháng thể đơn dòng AstraZeneca hoặc Lily Elli có thể ngăn ngừa Covid-19 đối với người không đủ điều kiện tiêm vaccine. Chúng cũng được dùng như liệu pháp điều trị người mắc Covid-19 ở một số nước. Kháng thể hoạt động như lớp miễn dịch bổ sung, bền vững bên cạnh vaccine, ngăn ngừa nhiễm bệnh ở nhóm dễ tổn thương nhất.
Nhiều quốc gia cũng phê duyệt thuốc điều trị Covid-19 đường uống, dễ dàng sử dụng ngay từ giai đoạn đầu, tránh bệnh chuyển nặng. Hai loại thuốc tiêu biểu là Paxlovid của Pfizer và molnupiravir của Merck.
Hãng dược Pfizer ngày 18/1 cho biết Paxlovid hiệu quả chống biến chủng Omicron. Theo đó, thành phần chính trong thuốc là nirmatrelvir có khả năng kháng Omicron cao bằng Beta và Delta. Theo Pfizer, đây là tín hiệu đáng khích lệ cho thấy Paxlovid sẽ là công cụ điều trị quan trọng khi biến chủng mới lây lan. Thuốc đã được cấp phép sử dụng tại Mỹ và nhiều nước châu Âu, được chuyển giao công nghệ cho Việt Nam và một số nước đang phát triển.
Hội đồng chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 2/3 cũng khuyến nghị sử dụng khẩn cấp thuốc kháng virus molnupiravir để điều trị Covid-19 cho người nguy cơ cao chuyển nặng. Nhóm phù hợp dùng thuốc là bệnh nhân Covid-19 triệu chứng nhẹ song nguy cơ cao nhập viện, chẳng hạn người suy giảm miễn dịch, người chưa được tiêm chủng, người cao tuổi và người mắc bệnh mạn tính.
Tuy nhiên, trải qua hơn hai năm dịch bệnh, người dân trở nên mệt mỏi và chủ quan hơn trước đây vì đã tiêm vaccine. Số người chết toàn cầu vẫn tăng, nhưng hành động của tập thể không theo kịp con số đó. Tại nhiều quốc gia, người dân tức giận vì các quyết định không nhất quán của chính phủ. Một số người sống chung Covid-19 với tâm lý "ai rồi cũng thành F0".
Thái độ của cộng đồng dễ ảnh hưởng đến quyết định ứng phó dịch bệnh của giới chức các nước. Nhiều quốc gia trì hoãn áp đặt các biện pháp cứng rắn ngay cả khi Covid-19 đang gây nhiều mất mát. Tại một số nước, người dân biểu tình chống tái áp dụng quy định về khẩu trang hoặc ngại xuất trình thẻ tiêm chủng.
Theo Panagis Galiatsatos, giáo sư Trường Y Johns Hopkins, sự khác biệt lớn nhất là thế giới đã có nhiều hiểu biết về đại dịch, đủ để thấy Covid-19 sẽ quay trở lại như loại bệnh lưu hành, song toàn cầu có đủ công cụ ngăn bệnh gây nhiều thương vong.
Thục Linh (Theo Vox)