Ít nhất 3 công ty Trung Quốc đã tạm hoãn kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán Mỹ. Những doanh nghiệp này gồm Công ty sở hữu nền tảng chia sẻ xe đạp Hello, Công ty podcast Ximalaya và Công ty điện toán đám mây Qiniu.
Theo đó, Công ty Hello sở hữu nền tảng chia sẻ xe đạp và bán xe scooter điện đã tạm hoãn chào bán cổ phiếu và hiện cũng chưa quyết định về mức định giá phù hợp cho doanh nghiệp này bởi xét đến sự thận trọng của nhà đầu tư với cổ phiếu mới. Trước đây, Hello có kế hoạch huy động từ 500 triệu đến 1 tỷ USD, nhưng con số cuối cùng còn tùy thuộc vào mức định giá cụ thể.
Lãnh đạo các công ty trên cũng đã ngừng kêu gọi đầu tư dù đã nộp hồ sơ lên Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) từ hơn hai tuần trước. Tại Mỹ, doanh nghiệp có thể khởi động các sự kiện gọi vốn hai tuần sau khi chính thức nộp hồ sơ lên ủy ban.
Nguyên nhân của việc các doanh nghiệp ngưng niêm yết được cho là thị trường chứng khoán suy giảm trong thời gian gần đây, tâm lý nhà đầu tư với các công ty có tiềm năng tăng trưởng cao trở nên bi quan hơn và diễn biến cổ phiếu sau IPO của một số doanh nghiệp khác như Waterdrop không mấy tích cực.
Cổ phiếu công ty công nghệ bảo hiểm Waterdrop đã giảm 40% so với giá chào bán sau khi IPO đầu tháng này. Cổ phiếu của công ty sở hữu nền tảng thương hiệu phong cách sống hiện cũng thấp hơn 9% so với giá IPO.
Tính trong 34 doanh nghiệp Trung Quốc niêm yết trên sàn Mỹ năm nay, cổ phiếu của 20/34 công ty tức tương đương tỷ lệ khoảng 59%, đã giảm điểm. Trong số này phải kể đến cổ phiếu của 2 doanh nghiệp có đợt IPO quy mô lớn nhất gồm hãng thuốc lá điện tử RLX Technology và công ty cung cấp dịch vụ hỏi đáp trực tuyến Zhihu. Còn với nhóm doanh nghiệp Trung Quốc chào bán cổ phiếu lần đầu tại Mỹ năm 2020, cổ phiếu của khoảng 40% doanh nghiệp đang dưới giá chào sàn.
"Những yếu tố trên đã khiến cho điều kiện thị trường trở nên khó đoán hơn với những doanh nghiệp mới. Nhiều doanh nghiệp đã lựa chọn quan sát thị trường thêm một thời gian nữa để chờ tình hình ổn định hơn", Trưởng bộ phận kinh doanh cổ phiếu khu vực Trung Quốc đại lục tại Công ty luật Hogan Lovells – bà Stephanie Tang phân tích.
Việc một số doanh nghiệp Trung Quốc đại lục và Hong Kong hoãn IPO đã làm ngưng lại làn sóng niêm yết trên sàn Mỹ cao kỷ lục từ đầu năm đến nay. Chỉ riêng gần 5 tháng đầu năm, các doanh nghiệp Trung Quốc đại lục và Hong Kong đã huy động được 7,1 tỷ USD.
Nhu cầu IPO của doanh nghiệp tăng cao khi chính phủ các nước trên thế giới đồng loạt tung ra các gói kích cầu, lãi suất rơi xuống mức thấp kỷ lục, thị trường chứng khoán nhiều nước tăng điểm mạnh bất chấp căng thẳng Mỹ - Trung. Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc vẫn muốn IPO sàn Mỹ dù đối mặt rủi ro có thể bị hủy niêm yết sau này.
Tính đến hết ngày 21/5, chỉ số S&P 500 có 2 tuần giảm điểm bởi nhà đầu tư lo ngại về rủi ro lạm phát và tác động của nó lên công nghệ cũng như các cổ phiếu tăng trưởng.
Chỉ số CSI 300 của thị trường chứng khoán Trung Quốc hiện vẫn trong giai đoạn điều chỉnh, (hiện giảm hơn 10% so với mức đỉnh vào tháng 2/2021); còn chỉ số Nasdaq Golden Dragon, chỉ số theo dõi cổ phiếu của các công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ, đã giảm 30% so với mức đỉnh thiết lập trong cùng tháng.
Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, thách thức mà các công ty Trung Quốc muốn niêm yết cổ phiếu tại Mỹ đang đương đầu chỉ diễn ra trong ngắn hạn. Nhiều nhà đầu tư vẫn kỳ vọng vào đợt IPO của doanh nghiệp được nhiều người biết đến như công ty sở hữu ứng dụng chia sẻ xe Didi Chuxing. Đây là công ty đã bí mật nộp đơn để được chấp thuận cho đợt niêm yết cổ phiếu quy mô ước tính nhiều tỷ USD. Đợt IPO của doanh nghiệp này có thể coi như "phép thử" về sự quan tâm của nhà đầu tư với cổ phiếu doanh nghiệp Trung Quốc.
Diệu Thanh (Theo Bloomberg)