"Những người ở giai đoạn đầu của sự nghiệp luôn dễ chấp nhận rủi ro và rời đi, đặc biệt trong bối cảnh chi phí sinh hoạt tăng", Alex Beene, giảng viên tài chính thuộc Đại học Tennessee, nói.
Amy Stewart, giám đốc công ty nghiên cứu và phân tích lương Payscale, nhân sự nghỉ việc chủ yếu ở các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và giáo viên. "Họ cảm thấy bị làm việc quá sức, thiếu nhân lực và bị trả lương thấp", Stewart nói.
Các chuyên gia lý giải làn sóng nghỉ việc cuối năm do Gen Z đã phá vỡ văn hóa trung thành với công ty trong khi các thế hệ trước luôn xem trọng sự ổn định.
"Đồng tiền mới là lòng trung thành trong công việc", Michael Ryan, chuyên gia tài chính, người sáng lập michaelryanmoney.com, nói. Đồng thời, giới trẻ cũng đã chứng kiến bố mẹ mình làm việc vất vả suốt hàng thập kỷ và vẫn gặp khó khăn khi nghỉ hưu. Họ hình thành tư duy việc làm là mối quan hệ giao dịch, cần có lợi cho đôi bên.
Khảo sát cũng cho thấy 46% lao động Mỹ cảm thấy họ được trả lương công bằng trong năm 2024. Trong khi đó, Gen Z là thế hệ bức xúc nhiều nhất với 43% nói bị trả lương thấp.
Chuyên gia nhân sự Driscoll dự đoán làn sóng nghỉ việc sẽ xảy ra vào đầu 2025. Tuy nhiên, người lao động có thể đối mặt với tình huống "vòng lặp" tuyển dụng.
Cụ thể, tỷ lệ thay đổi nhân sự cao đồng nghĩa tốn nhiều tiền cho việc tuyển dụng, đào tạo và giúp nhân viên hòa nhập môi trường làm việc. Công ty muốn tránh tình trạng mất tiền do nghỉ việc hàng loạt cần phải hành động. Họ cần trả lương công bằng, cung cấp cơ hội phát triển có ý nghĩa và đối xử với lực lượng lao động bằng những phúc lợi thực tế.
"Các công ty không tái đầu tư vào nhân viên sẽ phải trả giá đắt nhất", ông nói.
Ngọc Ngân (Theo Newsweek)