Tôi thật sự là một fan Kpop (nhạc Hàn Quốc) thứ thiệt, nhưng rõ ràng ảnh hưởng của nó lên văn hóa Việt Nam là điều đáng suy nghĩ. Tôi hiện mới 18 tuổi, dù không thực sự quá hiểu biết về lĩnh vực này nhưng sẽ đưa ra một số suy nghĩ cá nhân vì tôi thích Kpop nhưng luôn ủng hộ sự phát triển của làng giải trí Việt.
Từ khi âm nhạc Âu Mỹ và Kpop đến Việt Nam, quan niệm thẩm mỹ âm nhạc hay thuần phong mỹ tục đã thay đổi theo hướng cởi mở hơn, gần với văn hóa nước ngoài hơn.
Không khó để tìm được các Music Video (MV) sexy vô đối, vũ đạo gợi cảm của các nghệ sĩ nữ Hàn và US-UK (thậm chí chính các chương trình âm nhạc phát sóng trên TV cũng đầy các cảnh như vậy, một số còn bị lên án ngay tại Hàn Quốc, vậy mà lượt yêu cầu lên sóng truyền hình Việt cũng cao ngất ngưởng).
Người Việt giờ không chỉ nghe nhạc mà còn xem nhạc, xem ca sĩ đó ăn mặc ra sao, mặt mũi xinh thế nào, có sexy không, bây giờ thật khó tưởng tượng ra việc một nghệ sĩ có nhan sắc dưới trung bình, dù nam hay nữ làm được điều gì lớn lao cho khán giả Việt.
Điều này cũng do chính các sản phẩm âm nhạc ngoại nhập. Khó có thể trách người Việt trẻ bỏ qua thuần phong mỹ tục và quan điểm thế nào là thuần phong mỹ tục có lẽ nên thay đổi.
Chương trình lên án thảm họa âm nhạc Việt trên VTV hiện đã có số like trên youtube 1870 lượt. Quả thật sau khi xem xong chương trình đó tôi đã có cái nhìn không mấy thiện cảm (nếu không nói là coi thường) nền showbiz Việt. Từ đó tôi đã gần như từ bỏ việc tìm hiểu về âm nhạc Việt mà chuyển hẳn sang tìm hiểu về âm nhạc Hàn.
Điều đầu tiên lên án là lời bài hát vô nghĩa, thiếu thẩm mỹ nhưng có thể thấy rõ ràng phần lớn người Việt khi nghe nhạc ngoại cũng chẳng cần biết mình đang nghe cái gì, có phù hợp với lứa tuổi không, ngay cả thế hệ 10x cũng đang học đòi nghe nhạc ngoại (đặc biệt là nhạc Hàn) .
Nếu theo như bản dịch của các hội làm sub cho nhạc Hàn thì thực tế phần lớn ý nghĩa của nó không hơn gì nhạc thị trường Việt. Có người bạn tôi biện minh rằng vì tiếng Việt và tiếng Hàn có khoảng cách nên nhạc Hàn không còn ý nghĩa. Vậy là bạn đó cũng chẳng buồn hiểu hết ý nghĩa về các bài hát Kpop.
Để ý kỹ thì nó cũng hơn gì việc đọc đi đọc lại một vài câu, nếu không nhờ âm thanh điện tử thì bài hát có lẽ không quá hay. Nếu lên án các nghệ sĩ Việt hát nhép thì rõ ràng âm nhạc Hàn cũng cho phép hát nhép.
Kpop có nhiều điểm tương đồng âm nhạc hiện đại US-UK nhưng dễ nghe hơn, trẻ trung hơn và cũng không cần có khả năng cảm thụ nghệ thuật quá cao xa.
Về phần các nghệ sĩ Việt, đó là sự chậm tiến bộ so với xu thế phát triển chung của giải trí thế giới. Sự yếu kém của giải trí Việt thể hiện qua hiện tượng đạo nhạc, mượn nhạc ngoại làm lời Việt, copy vũ đạo, phong cách một cách quá tràn lan, trong điện ảnh thì là sự lạm dụng các kịch bản phim nước ngoài quá nhiều, diễn viên còn thiếu chuyên nghiệp, bị hạn chế khả năng.
Fan Kpop trên diễn đàn anti Vpop. |
Khi làn sóng Hàn đã lan tràn quá nhanh, nhiều nghệ sĩ Việt bị mất một lượng fan đông đảo, trở nên "tự kỉ" và bất lực. Họ chỉ còn biết cách gây scandal, lộ hàng, chơi sang ... để có chuyện lên giới truyền thông, mong vớt vát lại chút gì của một thời đã qua.
Thị hiếu âm nhạc của Việt Nam không tầm thường mà là có sự khác nhau rõ rệt giữa các vùng miền, các dân tộc, các ngành nghề và độ tuổi...Ví dụ như chất mạnh mẽ của âm nhạc Tây Nguyên khó có thể chinh phục khán giả trẻ Hà Nội thích sự lãng mạn hay M4U có thể nổi tiếng ở Hà Nội thì cũng khó lòng chinh phục khán giả miền Nam.
Cũng như LCH, HKT, CVC khó có thể nổi tiếng ở các địa phương khác, hay các nghệ sĩ nữ quá sexy cũng không thể lấy lòng các bậc phụ huynh và giới chuyên môn.....
Xin nói thêm về HKT, việc họ lạm dụng các ca khúc nước ngoài chính (đặc biệt của các nhóm nhạc Hàn) là lý do chính họ bị coi là thảm họa âm nhạc và khó có thể xóa bỏ được quá khứ không tốt trong lòng khán giả nhưng vẫn có một lượng fan đông đảo ở nông thôn và miền Tây vốn quá thiếu các sản phẩm âm nhạc lạ.
Có lẽ cụm từ thảm họa âm nhạc hay thảm họa điện ảnh đã bị giới chuyên môn và cộng đồng mạng lạm dụng quá nhiều tạo nên hình ảnh một nền giải trí Việt Nam yếu kém, một loạt các ca sĩ mới nổi như ĐN, NPT,... cũng bị anti fan coi là thảm họa.
Các nghệ sĩ của nhiều lĩnh vực khác như điện ảnh, người mẫu, hay cả vận động viên thể hình đang làm rất tốt công việc của mình cũng muốn tham gia vào giới âm nhạc làm nó thêm rối loạn.
Cần hơn một sự đoàn kết giữa những người làm nhạc, những người làm phim, hơn là việc lên án nhau công kích nhau tràn lan. Mỗi nghệ sĩ cần phải có trách nhiệm hơn với các sản phẩm nghệ thuật của mình và nhận trách nhiệm về sự yếu kém của chính mình mới có cơ hội giành lại thị trường.
Giới truyền thông cũng có lỗi lớn trong sự thất bại này, từ truyền hình, báo chí, internet...Nếu như công nghệ lăng xê, phát triển tài năng của giới truyền thông ngoại rất tốt, cả Kpop và Âu mỹ đều thế thì truyền thông Việt dường như chỉ biết khai thác các chủ đề kiểu như các scandal, chuyện quần áo, ăn mặc, lộ hàng ...hơn là phân tích cái hay, cái độc đáo của điện ảnh và âm nhạc.
Rõ ràng khán giả rất có hứng thú tìm hiểu về đời sống, con người, chuyện riêng của người nổi tiếng - những khuôn mẫu của xã hội, niềm mơ ước của giới trẻ và các bài báo như thế ở nước ngoài cũng không ít nhưng dường như nó xuất hiện ở Việt Nam một cách quá nhiều làm khán giả dần bội thực (có lẽ lỗi cũng do các nghệ sĩ lạm dụng việc này để nổi tiếng).
Nhưng có lẽ lỗi chính là do khán giả những người yêu giải trí đã không dành nhiều sự quan tâm cho hàng nội và chính bản thân chúng tôi nên thừa nhận điều đó. Hiện tượng sính ngoại trong văn hóa dường như đã ăn sâu vào cuộc sống và nếp sinh hoạt người Việt. Nếu như hồi trước âm nhạc và phim ảnh ngoại chỉ như là một món xa xỉ thì bây giờ nó đã trở thành cơm nhà của nhiều fan Hallyu.
Nhiều người biện minh rằng dù thích xem phim Hàn, nghe nhạc Hàn không đồng nghĩa với việc làm mất đi văn hóa truyền thống dân tộc. Nhưng có lẽ họ chưa phải là fan Hallyu đích thực.
Họ không biết đến việc nhiều cô gái trẻ Việt hạnh phúc với trang phục cưới Hanbok chứ không phải là áo dài, váy Tây, việc lạm dụng phẫu thuật thẩm mỹ, dùng mỹ phẩm hay như sự xuất hiện tràn lan của những cái gọi là vẻ đẹp Hàn Quốc, phong cách Hàn Quốc trong các hotboy, hotgirl tuổi teen người Việt (nếu như lên các trang mạng của giới trẻ thì không thiếu các bài tít như vậy).
Ảnh hưởng văn hóa là rõ ràng khi mà chúng ta có thể dễ dàng gặp một cô gái kiểu Hàn Quốc đi trên đường hay nhìn thấy phong cách của người dân Hàn trong lối sống, các ăn uống và đặc biệt là trong việc lựa chọn ngôn ngữ (đang có rất nhiều người học tiếng Hàn vì thần tượng), hay không biết mình đang xem một kênh truyền hình của nước nào (như người Nhật nói).
Một điều lạ mà ít người để ý tại sao một quốc gia lắm tiền nhiều của như Nhật Bản lại không tạo ra một thứ kiểu như làn sóng Nhật nhưng lại vẫn là một thị trường giải trí hàng đầu thế giới.
Theo tôi có thể là vì Nhật Bản coi trọng văn hóa dân tộc nên các ban nhạc ngoại khó lòng xâm nhập hay lấy lòng khán giả trong nước; các sản phẩm văn hóa-giải trí của họ như truyện tranh manga, hoạt hình, phim, âm nhạc của họ vẫn được yêu thích trên thế giới vì sự độc đáo và chất lượng của chúng, thậm chí họ còn nổi tiếng thế giới về tinh thần và tính cách mạng thương hiệu Nhật Bản.
Họ chẳng cần phải truyền bá cho ai cả, họ cứ làm tốt thì tự dưng cả thế giới sẽ biết về họ. Không phải tôi nói vậy thì chúng ta cần phải làm theo. Nhưng rõ ràng nếu muốn truyền bá văn hóa và giải trí Việt ra thế giới theo kiểu Hallyu thì trước tiên nó phải thật sự có chất lượng và phục vụ được đa số khán giả trong nước.
Có người cho rằng làn sóng Hàn đã bớt nóng, càng ngày càng loãng do đầu tư không hiệu quả, không còn chất lượng như trước và giới trẻ bắt đầu chán Hallyu. Có người lại cho rằng làn sáng Hàn sẽ phủ sóng toàn thế giới và ăn sâu vào văn hóa Việt từ thành thị đến nông thôn và rất khó giảm sức ảnh hưởng. Fan Kpop thực tế hâm mộ con người thần tượng của mình hơn là dòng nhạc của thần tượng nên dù bài hát đó có hơi quá chán thì vẫn ủng hộ. Quá khứ đã cho thấy cứ sao 1 thời gian suy thoái thì làn sóng Hàn lại trỗi dậy mạnh mẽ hơn trước.
Nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam cũng đang tìm cách làm nên điều kì diệu như Hàn Quốc. Nhưng rõ ràng là cần thiết phải có sự nghiên cứu cẩn thận xem chúng ta đã được gì và mất gì từ làn sóng Hàn, tương lai của nó sẽ đi đến đâu, giới trẻ nên đi theo con đường nào, có nên tiếp tục truyền bá hay giảm độ ảnh hưởng của nó.
Theo thống kê của Hàn Quốc, con số nhóm nhạc tại đây sẽ vượt 100. Sức mạnh của công nghiệp giải trí đã đóng góp đáng kể vào sự đi lên của kinh tế Hàn Quốc, ảnh hưởng tới nhiều mặt kinh tế, xã hội. Theo khảo sát việc làm thì gần một nửa giới trẻ Hàn muốn thành người của làng giải trí, có thể dễ dàng thấy được quy mô và số lượng tham gia rất lớn của các chương trình tài năng của các công ty giải trí Hàn. |
LSMLT