Tiến sĩ Hans Kluge, giám đốc WHO khu vực châu Âu, đưa ra khuyến cáo đối với các quốc gia đang thực hiện nới lệnh giãn cách xã hội, cho rằng "đây là thời gian để chuẩn bị, không phải ăn mừng".
Ông Kluge nhấn mạnh việc số ca dương tính mới tại các nước như Anh, Pháp và Italy có chiều hướng giảm không có nghĩa đại dịch sắp kết thúc. Tâm dịch châu Âu hiện đã chuyển sang phía đông, bùng phát ở Nga, Ukraine, Belarus và Kazakhstan. Ông cũng cho rằng các quốc gia nên sử dụng khoảng thời gian này một cách khôn ngoan, bắt đầu cải thiện hệ thống y tế công cộng cũng như củng cố nguồn lực tại bệnh viện, các đơn vị chăm sóc chính và hồi sức tích cực.
"Singapore và Nhật Bản đã sớm hiểu rằng đây không phải lúc ăn mừng, mà để chuẩn bị. Đó là điều các nước khu vực Scandinavia đang làm, họ không loại trừ khả năng có đợt bùng phát thứ hai, nhưng cũng hy vọng sẽ giữ nó ở mức độ cộng đồng và khống chế sớm", tiến sĩ Kluge nói.
Ông cũng cảnh báo sự cộng hưởng của nCoV với các dịch bệnh khác.
"Tôi rất lo lắng về một đợt bùng phát kép vào mùa thu, có thể chúng ta sẽ đón làn sóng Covid-19 thứ hai và cả loại bệnh theo mùa như cúm hoặc sởi. Hai năm trước, khoảng 500.000 trẻ em đã không được tiêm mũi vaccine sởi đầu tiên", ông cho biết.
Giáo sư Chris Whitty, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Y tế Quốc gia Anh, cũng nhấn mạnh các đại dịch tái bùng phát đều có chiều hướng nguy hiểm hơn, ví dụ Cúm Tây Ban Nha giai đoạn 1918-1920. Theo đó, khi căn bệnh xuất hiện lần đầu tháng 3/1918, có các đặc tính của loại dịch theo mùa điển hình. Tuy nhiên sau khi quay trở lại vào đầu thu, bệnh trở nên nguy hiểm hơn, cuối cùng đã giết chết khoảng 50 triệu người. Các chiến dịch quân sự trong Thế chiến I được cho là nguyên nhân đẩy mạnh tốc độ lây lan của virus.
"Dựa trên lịch sử, chúng tôi cho rằng những nước không ảnh hưởng nhiều trong lần đầu dễ bị nhấn chìm khi bệnh tái bùng phát. Liệu châu Phi và Đông Âu sẽ ra sao? Nhiều quốc gia ban đầu nói: ‘Chúng tôi không giống như Italy’ và chỉ hai tuần sau đó, dịch bệnh bùng phát! Họ không may bị tấn công bởi làn sóng thứ hai, vậy nên chúng ta cần cực kỳ cẩn trọng", ông Whitty nhận định.
Để không chế Covid-19, nhân loại đặt nhiều kỳ vọng vào vaccine. Song theo tiến sĩ Kluge, trong trường hợp không có vaccine, lệnh phong tỏa cần đi kèm với các biện pháp y tế công cộng nghiêm ngặt, bao gồm xét nghiệm và theo dõi toàn diện.
"Chúng tôi luôn cho rằng sức khỏe là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế. Nó xứng đáng có vị trí hàng đầu trong các chương trình nghị sự", ông bổ sung.
Thục Linh (Theo Telegraph)