Trao đổi với VnExpress ngày 6/7, ông Trần Đắc Phu, cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, nhận định "dịch đang diễn biến phức tạp". Ông không đưa ra dự đoán tình hình dịch tại TP HCM vì "ẩn số nhiều nguy cơ" và cho rằng "diễn tiến phụ thuộc rất nhiều vào việc triển khai hiệu quả các biện pháp phòng dịch" hiện nay của thành phố.
Ông Phu cho rằng dịch lây lan nhanh ra nhiều tỉnh thành miền Trung và miền Nam do các tỉnh có sự giao lưu đi lại với TP HCM. Một số tỉnh dịch lây theo lái xe đường dài, dẫn tới không phát hiện kịp thời, lây ra cộng đồng. Nhiều bệnh nhân nhiễm biến chủng Delta với tốc độ lây lan nhanh; F1, F2 nhanh chóng trở thành ca F0. Điều này chứng tỏ virus đã âm thầm lây lan trong một khoảng thời gian từ lâu, khiến ổ dịch tại TP HCM nói riêng và dịch tại các tỉnh phía Nam phức tạp hơn.
Cùng quan điểm, Phó giáo sư Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết dịch đợt này khó dự báo hơn do 4 yếu tố, gồm: nhiều F0 lẩn khuất, 80% bệnh nhân không triệu chứng, nhiều người mắc bệnh tự khỏi và biến chủng Delta lây lan rất nhanh. Ông cũng cho rằng "chưa thể đưa ra dự đoán" về diễn biến tiếp theo tại TP HCM và các tỉnh phía Nam. Tuy nhiên, số ca nhiễm lên đến hàng trăm mỗi ngày cho thấy dịch đã và đang phát tán rất rộng vào cộng đồng.
"Ngoài biện pháp mạnh như giãn cách xã hội, phong tỏa thì TP HCM cần có phương án sớm sống chung với dịch bệnh, trước tiên là bảo vệ nhóm người nguy cơ như người cao tuổi, người có bệnh nền", ông Nga nói.
Ngoài ra, ông đề nghị TP HCM cần xét nghiệm diện rộng nhưng có chỉ định, không làm tràn lan như chọn điểm để xét nghiệm, tránh để tồn mẫu dẫn đến nhận định kết quả thiếu chính xác.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM), cho biết phương pháp TP HCM áp dụng hiện nay là ưu tiên lấy mẫu, xét nghiệm và trả kết quả dựa trên các mức độ nguy cơ. Với mỗi nhóm nguy cơ khác nhau, thành phố quyết định dùng test nhanh hay lấy mẫu gộp. Ngoài ra, trong các nhóm lấy mẫu gộp, tùy mức độ nguy cơ, mẫu đó sẽ được ưu tiên xét nghiệm trước.
"Tuy nhiên, thành phố có thể cân nhắc thêm phương án hướng dẫn và khuyến khích người dân có điều kiện, kỹ năng chuyên môn tự lấy mẫu tại nhà", bác sĩ Khanh đề xuất.
Trước đó, ngày 2/7, Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM phối hợp Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM (HCDC) làm sạch dữ liệu (xóa các thông tin cá nhân), cung cấp cho hai nhóm nghiên cứu để phân tích và dự báo về tiến triển Covid-19 tại thành phố trong thời gian tới. Trong đó, nhóm nghiên cứu của Đại học Fulbright và Tech4Covid dự báo Covid-19 ở TP HCM đạt đỉnh đầu tháng 7 và đi xuống, kết thúc tháng 8, nếu thực hiện tốt giãn cách.
Theo các chuyên gia, thành phố phải quyết liệt xét nghiệm và truy vết để phát hiện những điểm nguy cơ, tính tới phương án giúp cho người dân sống chung với dịch bệnh. Người dân không nên quá hoang mang. Thay vào đó là theo dõi thông tin chính thống, tuân thủ tuyệt đối các biện pháp được khuyến cáo. Nếu mỗi người dân tuân thủ đúng, đặc biệt thực hiện tốt 5K cũng có thể cắt đứt được các chuỗi lây nhiễm, hạn chế lây lan trong cộng đồng.
Bên cạnh đó, TP HCM cũng cần giãn cách, phong tỏa theo sự đánh giá mức độ nguy cơ của chính quyền địa phương. Các biện pháp này cần thực hiện hợp lý, phong tỏa phải chặt, thực hiện "cửa đóng then cài" và giãn cách phải nghiêm thì mới khống chế được dịch.
Các chuyên gia nhắc đến việc cách ly, điều trị tại nhà các F0 không có biểu hiện để giảm tải cho bệnh viện khi số ca nhiễm tăng cao. Tuy nhiên, quá trình cách ly vẫn phải đảm bảo tuân thủ các quy định phòng chống dịch, có giám sát, quản lý tránh lây nhiễm chéo.
"Nếu không tuân thủ đúng, dịch có thể xuất hiện ở bất kỳ địa phương nào, không riêng gì TP HCM", ông Phu nhấn mạnh.
Thùy An - Thúy Quỳnh