Navigos Group vừa công bố báo cáo về thị trường nhân sự quý IV, trong đó ghi nhận những tác động của hiệp định thương mại tự do, nguồn vốn FDI đến nhu cầu tuyển dụng tại Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực điện tử, dệt may, bất động sản, nông nghiệp...
Đơn vị nghiên cứu dự báo trong năm 2019 có thể xảy ra tình trạng khan hiếm nhân lực trong mảng công nghiệp điện tử do làn sóng dịch chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam.
"Theo ghi nhận của chúng tôi, công ty FDI trong lĩnh vực này đã có kế hoạch chuyển nhà máy sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này cũng đứng trước thách thức lớn về tuyển dụng bởi mức lương đề xuất không có sự cạnh tranh hơn so với các doanh nghiệp hiện tại. Do đó, ứng viên vẫn còn dè chừng trước quyết định chuyển việc sang một môi trường mới", báo cáo cho hay.
Navigos Search cho biết, những doanh nghiệp trong lĩnh vực điện, điện tử tại Hải Phòng và Bắc Ninh cũng có kế hoạch mở rộng quy mô lớn hơn. Bên cạnh đó, những doanh nghiệp mới cũng đi vào hoạt động từ đầu năm 2019. Trước làn sóng dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam và kế hoạch mở rộng quy mô, đơn vị nghiên cứu nhận định mảng sản xuất điện tử dự đoán tiếp tục tăng mạnh về nhu cầu tuyển dụng trong năm 2019.
Đơn vị nghiên cứu cũng cho biết, nguồn vốn FDI vào lĩnh vực bất động sản sẽ đẩy mạnh nhu cầu tuyển dụng. Theo Navigos, trong năm 2019, nhiều nhà đầu tư đang có kế hoạch điều chỉnh danh mục đầu tư (cả trực tiếp và gián tiếp), từ đó tác động đến chuỗi cung ứng, dòng vốn FDI vào thị trường bất động sản của Việt Nam. Hiện tại, động lực thu hút FDI tới Việt Nam chủ yếu đến từ 2 xu hướng, bao gồm dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam và đầu tư FDI vào Việt Nam để phục vụ chính thị trường tiêu dùng Việt Nam và ASEAN.
Với ngành dệt may, Navigos cho rằng có nhiều lợi ích nhưng cũng không ít thách thức trước các hiệp định thương mại tự do. Các công ty đa quốc gia đang hoạt động tại Trung Quốc, và cả các công ty nội địa Trung Quốc thuộc lĩnh vực hàng dệt may, giày dép, đồ dùng thể thao... có xu hướng chuyển các đơn hàng và hoạt động sản xuất các nhóm hàng này sang các nước khác nhằm tránh đánh thuế cao. Trong khối ASEAN, Việt Nam được đánh giá là tiềm năng và cạnh tranh nhất cho việc dịch chuyển của các doanh nghiệp này.
"Theo ghi nhận, nhiều doanh nghiệp đã hoạt động nhiều năm tại Việt Nam cũng đang mở rộng quy mô về sản xuất. Đứng trước xu hướng tuyển dụng tăng cao trong lĩnh dệt may, doanh nghiệp cũng phải đối mặt với nhiều thách thức hơn trong việc tuyển dụng và giữ chân nhân lực", báo cáo nhận định.
Đơn vị nghiên cứu nhận định, ngành dệt may luôn khan hiếm nhân lực, đặc biệt là những nhân sự cấp trung, cấp cao vừa có kĩ năng chuyên sâu về ngành và có thể giao tiếp tiếng Anh. Hiện nay, một số doanh nghiệp do thiếu tính cạnh tranh đã dẫn đến tình trạng mất nhân công, buộc phải thu hẹp sản xuất hoặc sản xuất không hết công suất.
Lĩnh vực nông nghiệp, chăn nuôi có dấu hiệu khởi sắc và cạnh tranh gay gắt hơn trong tuyển dụng và giữ chân nhân tài. Trong quý IV năm 2018, có rất nhiều doanh nghiệp mở rộng đầu tư, quy mô hoặc một số chuẩn hóa đội ngũ nhân sự. Mức độ cạnh tranh trong việc thu hút và tuyển dụng của ngành này ngày một cao hơn so với trước đây. Theo Navigos Search, trong năm 2019, các doanh nghiệp có sẵn vốn nước ngoài cũng đã có kế hoạch tăng cường năng lực tốt hơn cho đội ngũ nhân sự quản lý tại Việt Nam.
Nguyễn Hà