Câu đùa hóm hỉnh, nghe như thể họ phải gắng gượng sống với nhau từng ngày từng tháng, ấy vậy mà tính ra họ đã 19 năm góp gạo thổi cơm chung, vui vầy đầm ấm. Quãng thời gian ấy không ít khó khăn, cực khổ, vì thế với cặp vợ chồng này, mỗi ngày mỗi giờ đều đáng quý, đáng trân trọng.
Gia đình Lan Hương - Đỗ Kỷ. Ảnh: Thế GIới Văn Hóa |
Lan Hương ngoài đời khác với Lan Hương trên sân khấu và màn hình nhiều lắm: vui vẻ, sôi nổi, lại pha chút dí dỏm. Đỗ Kỷ trầm tính, ít lời nhưng nói câu nào rào câu ấy. Bởi thế nên dù ngang vai vừa lứa, nhưng Lan Hương chẳng dám cho mình cái quyền già dặn hơn chồng. Tôn ti trật tự trong gia đình, chị tuân thủ nghiêm ngặt, nhất nhất vẫn là ông xã.
Họ biết nhau từ năm 1978, khi cả hai còn là học sinh trường cấp 3 Kim Liên, Hà Nội. Thế nhưng mãi đến khi cùng đỗ vào lớp diễn viên đầu tiên của Nhà hát Kịch Việt Nam, gặp nhau mới ngờ ngợ: "Ơ, bạn", rồi toe toét cười.
Chuyện cũ chung trường rồi chuyện lớp mới, bạn mới, chuyện cái duyên nghệ thuật của cả hai kẻ vốn chẳng có tí gene nghệ sĩ... tất cả khiến Hương - Kỷ có cớ gần nhau hơn. Lan Hương vốn mơ nghề giáo, Kỷ mê làm kỹ sư, đùng một cái, cả hai thành diễn viên. Chữ duyên nghề kéo theo chữ duyên tình. Lý giải cho sự nên vợ nên chồng của hai người, Lan Hương nháy mắt tinh nghịch: "Biết thế nào được. Cả nhà hát người ta có đôi có cặp cả rồi. Bọn mình cũng tính chuyện cưới xin luôn".
27 tuổi, làm dâu út trong đại gia đình một mẹ già và 4 hộ gia đình thật chẳng dễ dàng gì. Không đảm đang, không giỏi giang, gia tài quý nhất mà Lan Hương mang về nhà chồng là tấm lòng cởi mở và tình yêu thương dành cho tổ ấm hơn 10 thành viên. Chẳng thể tránh cảnh sinh hoạt tập thể đông đúc va chạm, cảnh cười ra nước mắt khi mái tôn dột mưa ngay giữa giường đôi vợ chồng son. Nhưng hơn 10 năm làm con nhà chồng, Lan Hương lúc nào cũng tâm niệm sự bền chặt của tình chồng vợ chẳng thiếu đạo làm dâu.
Chị sống chan hòa, không mất lòng ai trong gia đình, cũng chẳng một lời than vãn về hoàn cảnh. Trách nhiệm và ý thức vun vén cho nhà chồng khiến Lan Hương dần trưởng thành, xông xáo, năng nổ. Chị chủ động bàn với chồng chuyện cải tạo cuộc sống. Lại vẫn là chuyện lấy ngắn nuôi dài của cả một thế hệ diễn viên thành đôi như Hương và Kỷ.
Năm 1987, mỗi năm nhà hát chỉ dựng hai vở diễn. Kỷ và Hương lao vào làm kinh tế. Thôi thì đủ thứ nghề, từ cắt vải, thêu thùa, may vá đến buôn hàng gia công, sửa máy móc... Nhìn cô nỗ lực cho từng vai diễn, ít ai biết rằng sau cánh gà, cô cũng phải đôn đáo chạy chợ. Anh Đỗ Kỷ cũng từng phải chở hàng thuê, bốc vác ngoài bến tàu bến xe...
Kể về những năm tháng ấy, giọng Lan Hương như nghẹn lại: "Vất vả, thiếu thốn nhưng quan trọng nhất là lúc nào vợ chồng cũng hiểu và thương nhau". Bây giờ nhìn lại, chị bảo đó là những thử thách ngọt ngào của cuộc sống.
Như một quy luật của cuộc sống, những vất vả, cơ cực rồi cũng qua đi. 11 năm sau ngày cưới, họ xây được tổ ấm riêng cho gia đình nhỏ của mình, đó là căn nhà ở ngõ Tây Sơn, Đống Đa, Hà Nội.
Có điều kiện dồn sức chăm lo cho nghiệp diễn, anh chị miệt mài với sân khấu kịch, rồi cùng tham gia đóng phim, lồng tiếng kịch truyền hình. Vai cô giáo Thủy trong Mùa ổi đã đem lại cho Lan Hương giải Diễn viên xuất sắc tại Liên hoan phim Singapore năm 2001. Vinh dự ấy không dành riêng cho chị. Nó là món quà cho hạnh phúc lứa đôi.
Không nổi danh như vợ trong điện ảnh, nhưng anh Đỗ Kỷ đã được bầu làm Phó giám đốc Nhà hát kịch Việt Nam. Nhìn lại con đường đã vượt qua để gắn bó với nghề, họ không khỏi tự hào về những thành quả đã đạt được. Hạnh phúc của họ thực sự tròn đầy với hai cậu con trai Phạm An Nguyên, 17 tuổi và Phạm Hoài An, 10 tuổi.
Sau những bộn bề của công việc, niềm vui lớn nhất của hai vợ chồng nghệ sĩ là trở về tổ ấm bình dị. Nâng niu từ những điều nhỏ nhặt, họ đã làm cho cuộc sống của mình thực sự ý nghĩa và tràn đầy hạnh phúc.
(Theo Thế Giới Văn Hóa)