Nhằm tạo môi trường học tập, rèn luyện khả năng thực hành tiếng Anh hiệu quả trong học sinh, sinh viên khối các trường không chuyên, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức Hội thi Olympic tiếng Anh học sinh, sinh viên toàn quốc lần thứ hai năm 2018.
Hội thi năm nay lập kỷ lục với 1,5 triệu lượt thi, 50 triệu câu hỏi được trả lời và gần 8 triệu phút (tương đương 15 năm) rèn luyện tiếng Anh của hơn 400.000 thí sinh đến từ 3.263 trường đại học, cao đẳng, học viện, trường THPT, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trên cả nước.
Theo đại diện ban tổ chức, đây cũng là lần đầu tiên công nghệ 4.0 trong giáo dục và trí tuệ nhân tạo được đưa vào cuộc thi mang lại trải nghiệm kiểm tra trình độ phát âm trực tuyến mới lạ cho các thí sinh. Ứng dụng này do đơn vị đồng hành AMES English hỗ trợ.
Trong hai ngày 13, 14/10, vòng hai của hội thi diễn ra tại 11 cụm trên cả nước với sự tham dự của 500 học sinh, sinh viên. Trải qua các phần thi kiến thức trực tuyến, viết bài luận và gửi một video thuyết trình giới thiệu về một danh lam thắng cảnh của Việt Nam bằng tiếng Anh, ban tổ chức đã chọn ra 10 học sinh và 10 sinh viên xuất sắc lọt vào vòng chung kết toàn quốc tổ chức tại Hà Nội.
Vòng chung kết toàn quốc diễn ra từ ngày 26-28/10, thí sinh tham dự hoạt động "Hành trình trải nghiệm", talkshow "Leader Talk" và chung kết toàn quốc, tổng kết, trao giải tại Thủ đô.
Đặc biệt, phần chung kết toàn quốc diễn ra ngày 28/10 thu hút sự quan tâm của nhiều học sinh, sinh viên cả nước. Vòng chung kết diễn ra vào hai khung giờ với 2 bảng học sinh và sinh viên.
4 phần thi quan trọng trong vòng chung kết gồm:
Phần một: Mỗi thí sinh trả lời trên máy tính 40 câu hỏi trắc nghiệm và hỏi đáp. Thời gian suy nghĩ và trả lời mỗi câu hỏi là 20 giây. Mỗi câu hỏi trả lời đúng được 5 điểm, sai không có điểm. Điểm tối đa phần thi này là 200 điểm.
Phần hai: 5 thí sinh có điểm số cao nhất, thời gian trả lời ngắn nhất sau phần thi thứ nhất sẽ tham gia trả lời 10 câu hỏi dưới dạng điền đáp án dựa vào video tình huống của ban tổ chức. Thời gian suy nghĩ và trả lời mỗi câu hỏi là 15 giây tính từ thời điểm kết thúc video.
Phần ba: Mỗi thí sinh có một lần lựa chọn gói câu hỏi theo các mức 40, 60, 80 điểm. Thời gian suy nghĩ và trả lời của mỗi câu hỏi là 30 giây. Trả lời đúng được trọn số điểm, trả lời sai hoặc không đầy đủ đáp án sẽ không có điểm, các thí sinh còn lại giành quyền trả lời bằng cách ra tín hiệu chuôn. Trả lời bổ sung đúng được trọn số điểm câu hỏi, bổ sung sai hoặc không đầy đủ đáp án sẽ bị trừ đi số điểm của câu hỏi.
Phần bốn: 3 thí sinh có điểm số cao nhất, thời gian trả lời ngắn nhất sau 3 phần thi sẽ bốc thăm và thuyết trình theo các chủ đề cho trước và trả lời câu hỏi vấn đáp của ban giám khảo. Điểm số tối đa của phần thi này là 300 điểm, trong đó 200 điểm thuộc nội dung thuyết trình và 100 điểm thuộc nội dung trả lời câu hỏi của ban giám khảo.
Kết quả chung cuộc, ở bảng sinh viên, thí sinh Lê Hồng Đăng (Đoàn thanh niên Bộ Công an) đạt giải nhất; giải nhì ở bảng này thuộc về thí sinh Nguyễn Đăng Quyền (Ban Thanh niên Quân đội) và Diệp Đỉnh Khang (TP HCM).
Ở bảng học sinh, giải nhất thuộc về thí sinh Đoàn Tiến Mạnh (tỉnh Quảng Ninh); giải nhì thuộc về thí sinh Lê Nam Đông (tỉnh Nghệ An) và Lương Gia Huy (TP HCM) cùng nhiều giải ba và khuyến khích khác.
Giải thưởng của vòng chung kết được chia theo các bảng sinh viên và học sinh. Mỗi bảng ban tổ chức trao giải thưởng gồm một giải nhất trị giá 20 triệu đồng. 2 giải nhì trị giá 10 triệu đồng. Giải nhất và nhì đều nhận được bằng khen của Ban chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, một học bổng tiếng Anh trị giá 15 triệu đồng.
Ngoài ra, ban tổ chức còn trao hai giải ba trị giá 5 triệu đồng; 5 giải khuyến khích trị giá 3 triệu đồng cùng bằng khen của Ban chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và các suất học bổng tiếng Anh.
Các cá nhân đạt giải nhất, giải nhì và giải ba còn được nhận bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Thế Đan