Công bố của PGS Trần Đăng Xuân tại Đại học Hiroshima (Nhật Bản) và cộng sự được đăng trên tạp chí Plants thuộc Nhà xuất bản MDPI ngày 31/12. Đây là công trình nghiên cứu đầu tiên tìm thấy tiềm năng mới trong cây cỏ lau xâm lấn (tên khoa học Andropongon virginicus), bao gồm chống oxy hóa, ức chế enzyme tyrosinase và tế bào ung thư.
Để tìm ra các đặc điểm sinh học của loài cây này, nhóm nghiên cứu áp dụng phương pháp trích ly siêu âm Soxhlet và chiết lỏng-lỏng. Hai phương pháp này có ưu điểm cho hiệu suất chiết cao, rút ngắn thời gian và loại bỏ được phần dung môi sau khi hoàn thành. Nhờ đó, nhóm thu được 5 hợp chất chính, gồm chất thô, henxane, etyl axetat, butanol và nước.
Trong đó, phần chất thô chứa hàm lượng phenolic và flavonoid cao nhất trong những hợp chất khác. Cụ thể, hàm lượng phenolic có chức năng chống oxy hóa tốt cho sức khỏe chiếm 24,8 mg và chất rutin giúp tăng cường sức bền, đạt 37,4 mg trong đương lượng một gam của chất thô.
Thử nghiệm chống gốc tự do bằng phương pháp ABTS và DPPH, nhóm phát hiện hợp chất etyl axetat thể hiện đặc tính chống oxy hóa mạnh hơn chất hydroxytoluence butyl (chất chống oxy hóa tiêu chuẩn). Đặc biệt hợp chất này giúp ức chế tế bào ung thư K562 có nguồn gốc từ bệnh bạch cầu tủy mãn tính, với nồng độ ức chế tối đa đạt 112,01 µg / ml.
Ngoài ra, trong bốn chất chính tìm thấy ở hexane nhờ phương pháp sắc ký khí-phối phổ, axit palmitic (có tác dụng tạo lớp màng bảo vệ da) và phytol (tiền chất sản xuất vitamin E và K1) có hàm lượng chiếm 27,97% và 16,42%.
Cỏ lau được xếp vào loài cây cỏ dại xâm lấn đất nông nghiệp. Các kết quả cho thấy đây là thực vật tự nhiên tiềm năng trong việc bảo vệ sức khỏe con người, từ đó ứng dụng công nghệ để điều chế các sản phẩm chăm sóc da, chống oxy hóa và ức chế tế bào ung thư K562. Do đó, nhóm nghiên cứu tiếp tục thực hiện các xét nghiệm lâm sàng nhằm tăng hàm lượng thu được các chất có lợi trong cỏ lau.
PGS. TS Trần Đăng Xuân là nhà khoa học người Việt đang sinh sống và làm việc tại Nhật Bản. Hiện ông hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu chủ yếu về nhân giống cây trồng, bộ gene, khoa học cỏ dại, sản xuất nông nghiệp bền vững, hóa học hữu cơ, hóa học phân tích, năng lượng sinh khối...
Ông có hơn 150 công trình đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế trong danh mục ISI và 170 bài trong danh mục Scopus, với điểm H-index là 44.