Thí nghiệm của các nhà khoa học cho thấy, ở môi trường không trọng lực, xi măng cũng có thể cứng lại. Đây sẽ là một bước tiến mới trong nhiệm vụ chinh phục Mặt Trăng và sao Hỏa của loài người. Các phi hành gia đã trộn nước với tricalcium silicate (thành phần chính của xi măng thường được sử dụng trong xây dựng) để tạo ra hỗn hợp xi măng ngoài vũ trụ. Đây là hỗn hợp chưa bao giờ được sử dụng trong môi trường vi trọng lực.
Nghe có vẻ đơn giản nhưng xi măng thực sự khá phức tạp về cấu trúc. Khi bột xi măng được hòa tan trong nước, các tinh thể bắt đầu hình thành rồi kết dính với nhau, thay đổi cấu trúc để trở thành một vật liệu cứng rắn. Vì vậy cuộc thử nghiệm này cũng nhằm chứng minh và khám phá thêm về cách thức xi măng hình thành trong môi trường không trọng lực, bên cạnh đó nếu có bất kỳ cấu trúc vi mô độc đáo nào được khám phá sẽ được ghi nhận lập tức.
Nhóm nghiên cứu cũng so sánh các mẫu xi măng được tạo ra trên Trái Đất và ngoài không gian có gì khác nhau. Và sau đó, khi đem ra so sánh họ thấy rằng mẫu xi măng được tạo ra trên Trái Đất thực sự có cấu trúc rất khác so với xi măng ngoài không gian. Một trong số đó chính là việc xi măng ngoài không gian xốp hơn rất nhiều.

Phi hành gia của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu Alexander Gerst làm thí nghiệm trên Trạm vũ trụ quốc tế. Ảnh: NASA.
Giáo sư Aleksandra Radlinska, Đại học Bang Pennsylvania (Mỹ) cho biết, "độ xốp có ảnh hưởng trực tiếp tới độ bền của vật liệu và chúng tôi vẫn chưa đo đếm được độ bền của vật liệu được phát triển ngoài không gian. Nhưng hiện giờ chúng ta đã biết thêm được một số khác biệt về cấu trúc của xi măng trên Trái Đất và không gian. Chúng ta có thể kiểm tra những khác biệt đó, xem điều gì có lợi, điều gì bất lợi cho việc sử dụng vật liệu này ngoài không gian".
Mặc dù xi măng ngoài Trái Đất có độ xốp lớn, tuy nhiên nó vẫn kết cấu và cứng lại trong quá trình đông đặc. Đó là một bước tiến mới làm tiền đề để phát triển với hi vọng trong tương lai xây dựng những công trình ngoài vũ trụ, được bảo vệ bởi vật liệu rắn chắc này.
Là hỗn hợp của cát, đá, sỏi cùng nước và bột xi măng, bê tông là vật liệu xây dựng rất tốt trên Trái Đất. Trong không gian nó cũng đủ bền để giúp bảo vệ các phi hành gia khỏi bức xạ vũ trụ và một số nguy hiểm khác xảy ra ngoài Trái Đất. Các nhà khoa học đã chỉ ra điều này từ một nghiên cứu mới.
"Trong nhiệm vụ chinh phục Mặt Trăng và sao Hỏa, con người cùng thiết bị cần được bảo vệ khỏi nhiệt độ và bức xạ, cách duy nhất để làm điều đó chính là xây dựng cơ sở hạ tầng bên ngoài vũ trụ", Giáo sư Aleksandra Radlinska nói.
Trong một nghiên cứu mới Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) từng công bố bê tông thậm chí còn có thể đủ khả năng bảo vệ nhà du hành vũ trụ khỏi các loại phóng xạ cũng như chất độc hại ở bên ngoài Trái Đất. Ngoài ra, bê tông (hoặc vật liệu có kết cấu như bê tông) có thể được tạo ra bằng vật liệu ngoài không gian điển hình như bụi Mặt Trăng. Nếu con người có thể xây dựng các công trình tại Mặt Trăng hay sao Hỏa thì có thể tận dụng các vật liệu ngay tại đó thay vì gửi chúng từ Trái Đất lên, đó là một công việc khó khăn và tốn kém cả về thời gian lẫn tiền bạc.
Duy Anh (Theo Space)